Sữa và những bất cập trong quản lý

Để tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng sữa ngay từ khi nhập khẩu về Việt Nam, cục hải quan các tỉnh, thành phố trong cả nước đã bổ sung mặt hàng này vào danh mục quản lý về giá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có những chiêu gian lận để né thuế hoặc giảm thuế.

Ngay trong đầu tháng 1/2013, liên tiếp các vụ gian lận được phát hiện trên các tờ khai hải quan của mặt hàng sữa. Nếu các vụ gian lận này trót lọt thì số tiền trốn thuế sẽ lên tới hàng tỷ đồng. Chiêu gian lận chủ yếu của các doanh nghiệp nhập khẩu là khai giá nhập khẩu thấp hơn giá trị thực tế của sản phẩm và đổi tên sữa bột thành thực phẩm bổ sung hoặc thực phẩm dinh dưỡng.

Không chỉ tìm cách để gian lận thuế, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa còn tận dụng mọi cơ hội để tăng giá bán trên thị trường.

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2013, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã hai lần tăng giá bán lẻ với lý do “Công ty thay đổi mẫu mã, tăng lương cho cán bộ nhân viên” hoặc do sức ép từ việc giá sữa nguyên liệu tăng. Khoảng cách giữa các lần tăng ngày càng ngắn hơn và đều tăng từ 2-9,5%.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương thì giá sữa thế giới trong hai tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ. Còn giá nguyên liệu phần lớn trong xu hướng giảm, trong đó giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm, song giá sữa trên thị trường trong nước không những giảm mà còn tăng cao.

Tính chung cả Quý I/2013, thị trường sữa thêm hai lần biến động mạnh khi các hãng sữa ngoại và nội đua nhau tăng giá. Không chỉ các dòng sữa ngoại, sau một thời gian dài giữ giá ổn định, trung tuần tháng 2, Công ty sữa Việt Nam Vinamilk cũng tăng giá một số sản phẩm sữa thêm 7%, trừ một số sản phẩm đang tham gia bình ổn vẫn sẽ thực hiện đúng theo cam kết đến ngày 1-4 Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá 40 loại sản phẩm sữa Friso và Dutch Lady từ 8-9%. Với sữa nội, thời điểm này hoàn toàn là cơ hội để bình ổn giá, nâng cao chất lượng, thu hút người tiêu dùng trong nước, song các hãng sữa cũng lại theo sữa ngoại mà tăng giá. Mức giá tăng nhưng chất lượng sản phẩm cũng ngày càng khó kiểm soát…

Gốc vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng chính sự bất lực trong khâu quản lý đã tạo ra những lỗ hổng lớn cho các doanh nghiệp lợi dụng làm mưa làm gió trên thị trường?

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, thì chúng ta đã thả lỏng thị trường sữa quá lâu, khiến việc tăng giá trở thành bài toán muôn thuở, chỉ có người tiêu dùng là thiệt. Mỗi năm, sữa lại được điều chỉnh giá 1-2, thậm chí 3-4 lần.

"Tại sao khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa lại hoàn toàn là các đơn vị tư nhân, không có một tổng công ty thương mại nhà nước nào? Quota nhập sữa, ai được quyền nhập sữa? Quyết định 112 về kê khai giá liệu có thực hiện được khi thị trường đang có tới hàng nghìn mặt hàng nữa. Ai sẽ kiểm soát giá và kiểm soát như thế nào? Việc bình ổn giá với dòng sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống liệu đã làm được chưa?” – ông Phú đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Vẫn theo ông Phú thì hiện nay, các cơ quan quản lý đang bơi trong "ma trận sữa”, việc quản lý chủ yếu thông qua sử dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc.

Để bình ổn cần nhiều giải pháp

Để quản lý giá sữa, theo ông Phú, bắt buộc phải dùng biện pháp kinh tế. "Thời gian tới, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý cạnh tranh, quản lý giá. Trong dài hạn, chỉ có một giải pháp là Việt Nam cần có một chiến lược phát triển ngành sữa, với sự tham gia hỗ trợ của tất cả các bộ, ban ngành có liên quan. Hiện nay, dòng sữa nước nội chiếm tới hơn 60%, song sữa bột chỉ khiêm tốn với 20%. Phải đẩy lượng sữa bột lên bằng hệ thống cơ chế chính sách, hệ thống thuế, trang thiết bị… trong đó, vai trò quản lý vĩ mô rất quan trọng. Nếu không có bàn tay sắt, bàn tay minh bạch thì thị trường cuối cùng vẫn sẽ trở lại trạng thái cũ, chỉ có người tiêu dùng chịu mọi thiệt thòi” - ông Phú nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo Luật Giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong mặt hàng bình ổn giá, còn sản phẩm dinh dưỡng như sữa đậu nành, sữa chua... nằm trong danh mục thức ăn bổ sung. Do đó, để bình ổn giá các mặt hàng này, Bộ Y tế cần phải chuẩn hoá tên mặt hàng, từ đó đưa vào kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không.Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá tổng thể, chi tiết các mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng để xem xét và có thể đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá.

Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực giá đối với mặt hàng sữa trong tình hình hiện nay, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn tạm thời về việc đăng ký giá, kê khai giá.

Một số giải pháp quan trọng khác cũng sẽ được đưa ra thảo luận là biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn quy chuẩn và chất lượng sản phẩm, vi phạm về quảng cáo thực phẩm; Xử lý đối với các trường hợp gian lận từ khâu nhập khẩu, phân phối tới tay người tiêu dùng; cũng như kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, tính hợp lý, hợp pháp của việc điều chỉnh giá.

Từ đó, các Bộ sẽ đề xuất, kiến nghị giải pháp để quản lý có hiệu quả đối với các nhóm sản phẩm có thành phần sữa (thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức...)./.