Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra đã không chỉ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, mà còn làm suy giảm trực tiếp tới ngành du lịch.

Ngành du lịch đang rơi vào khủng hoảng do Corona

Tổng cục Du lịch ước tính thiệt hại của ngành du lịch trong 3 tháng tới từ 5,9-7,7 tỷ USD, cần có một kế hoạch toàn diện và hành động kịp thời trước khi thiệt hại quá lớn.

Ước tính ngành du lịch tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra. Các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn bị sụt giảm đến 70%- 80% doanh số.

Đặc biệt sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, ngành du lịch từ vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12/2019 và đầu tháng 1/2020 đã ngay lập tức rơi vào khủng hoảng. Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch là phổ biến hiện nay.

Ngành du lịch Việt Nam không chỉ mất nguồn khách Trung Quốc mà lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng giảm mạnh trong những tháng tới, nhất là từ tháng 1 đến tháng 4 được xem là mùa cao điểm đón khách quốc tế. Dự báo tình hình còn xấu hơn nếu Trung Quốc và thế giới chưa ngăn được dịch trước mùa hè 2020 (tháng 6/2020).

Theo đó, việc hoàn thành mục tiêu năm 2020 đón 20,5 triệu khách du lịch quốc tế là khó có thể thực hiện. Dự báo, ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm mới phục hồi kinh tế du lịch tại địa phương

Tình hình trên cũng được nêu bật tại báo cáo mới trình Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh Corona đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.

Về thị trường khách du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, thời gian tới lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm mạnh. Thời gian qua, thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và luôn có khoảng cách lớn so với các thị trường khách lớn khác, như: Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan...

Cục Hàng không đã có lệnh tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và ngược lại từ chiều ngày 01/2/2020, tỉnh Quảng Ninh đã đóng cửa tất cả các đường mở, lối mòn biên giới với Trung Quốc và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30/1/2020 nên số lượng khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch là bằng 0.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khách Trung Quốc đến nước ta bình quân mỗi quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644 nghìn lượt khách.

Với kịch bản 1: Dịch Corona kết thúc cuối quý I/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, lượng khách quốc tế trong quý I cũng vẫn là 644 nghìn lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800 nghìn lượt khách.

Với kịch bản 2: Dịch Corona kết thúc cuối quý II/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, lượng khách Trung quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch.

Bộ này cũng nhận định, do ảnh hưởng bởi dịch Corona, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virut Corona. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung Quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/1 khách. Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Cùng với du lịch, ngành vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch Corona gây ra.

Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.

“Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 1 tháng 2, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán.

Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giá trị sản xuất ngành vận tải chỉ tăng khoảng 5% theo giá so sánh trong quý I (và chỉ tăng 3,5% trong quý II theo giá so sánh trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II).

Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh Corona tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hai kịch bản như sau:

- Kịch bản 1: Nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

- Kịch bản 2: Nếu dịch Corona được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Như vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn, khả năng sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra./.