Hàng trăm xe container thanh long ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)/ Ảnh: KTĐT

Corona “ngăn đường” xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

Trước diễn biến của dịch viêm đường hô cấp cấp do chủng mới của Virus Corona (nCoV) gây ra, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chịu tác động xấu vì nhu cầu tiêu thụ giảm, chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ. Tình trạng này khiến cho việc giao thương theo hình thức biên mậu (nghĩa là thông qua hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới) bị gián đoạn, trong khi đây là hình thức trao đổi quan trọng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Việc xuất khẩu một số sản phẩm nông sản qua hình thức giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn Quảng Tây, Vân Nam bị hạn chế giao dịch đến hết 8/2 (trừ cửa khẩu Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa làm việc bình thường từ 3/2) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch nCoV.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu nông sản qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu đều giảm trên 25% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, từ ngày 30/1 đến 5/2/2020, chưa có xe hàng nông sản nào thực hiện thông quan xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, lượng hàng hóa còn tồn tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa xuất khẩu được là khoảng 140 xe container thanh long và dưa hấu (tương đương khoảng trên 2.500 tấn); trong đó chủ yếu là mặt hàng thanh long (khoảng 130 xe) và dưa hấu (khoảng 10 xe).

Trong khi đó, tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tính đến ngày 8/2, vẫn cón 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan; trong đó có 190 xe trái thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Song, số xe chở thanh long vẫn tiếp tục gia tăng, theo thông tin cung cấp của ông Nguyễn Công Trưởng - phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thì thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên các cửa khẩu của tỉnh, bình quân mỗi ngày từ 20-30 xe container.

Hiện nay, dịch bệnh nCoV chưa được kiểm soát hiệu quả và nếu phía tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đóng cửa chợ biên mậu thì hoạt động xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai sang thị trường Trung Quốc sẽ hết sức khó khăn và gây thiệt hại cho các thương nhân sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng như: thanh long, dưa hấu, xoài, mít, hạt tiêu, cà phê...

Thời gian qua, việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc được hai nước hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy tạo mọi điều kiện thuận lợi. Kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 đạt 8,4 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các thị trường khác

Do dịch bệnh Corona, hiện nay, các tỉnh, thành có các mặt hàng nông sản khó bảo quản, thời gian thu hoạch và tiêu thụ ngắn và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Đơn cử với quả thanh long, theo báo cáo Bình Thuận hiện còn hơn 7.600 tấn thanh long đang được lưu trữ tại 132 kho lạnh trong toàn tỉnh. Đồng thời, theo thông tin của Hiệp hội thanh long Bình Thuận, tính đến ngày 5/2, còn khoảng 150 chiếc xe container (3.000 tấn) của doanh nghiệp tỉnh chở thanh long xuất sang Trung Quốc đang chờ thông quan tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn); Kim Thành (Lào Cai)… Dự kiến tổng sản lượng thanh long thu hoạch đến cuối tháng 2 khoảng 44.000 tấn và luỹ kế đến cuối tháng 3 sẽ vào khoảng 100.000 tấn. Cùng chung cảnh tượng, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Gia Lai, Đồng Tháp… cũng đang có lượng lớn nông sản mà chủ yếu là thanh long và dưa hấu đến kỳ thu hoạch không xuất bán được sang thị trường Trung Quốc nên bị tồn đọng.

Nhiều nông dân trồng thanh long, dưa hấu rất lo lắng vì các loại nông sản đã đến ngày thu hoạch nhưng rớt giá, thương lái thu mua cầm chừng.

Hỗ trợ các nông hộ, doanh nghiệp kinh doanh nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã chủ động phối kết hợp và kịp thời định hướng liên hệ nhiều đơn vị thu mua, nhà bán lẻ thực hiện liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Sự vào cuộc của hệ thống tập đoàn, siêu thị, các trung tâm thương mại như Big C, Lotte, Saigon Co.op, VinMart… trong việc kết nối, hỗ trợ và đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm thanh long, dưa hấu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung… đã thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nội địa.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở hành động “giải cứu nông sản”, các trung tâm thương mại lớn còn hướng đến việc tạo cơ hội giúp các mặt hành nông sản vào hệ thống bán lẻ, đến tay người tiêu dùng trong nước.

Trong thời gian tới, siêu thị Big C sẽ phối hợp với Sở Công Thương Đồng Tháp nắm lại lịch thời vụ, sản lượng của từng mặt hàng nông sản của Đồng Tháp theo từng mùa vụ; đồng thời siêu thị sẽ định hướng trữ lượng hàng hóa tiêu thụ để có liên kết bền vững, lâu dài với địa phương. Cùng với đó, đơn vị sẽ hướng dẫn các hội quán, hợp tác xã, nông dân cách thức lập hồ sơ cũng như các quy chuẩn cần thiết khi đưa hàng nông sản vào hệ thống siêu thị, giúp cho nông dân có đầu ra ổn định hơn.

Bối cảnh dịch nCoV tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản, cũng là cơ hội tạo áp lực bức bách đẩy mạnh tái cơ cấu sâu hơn trên cơ sở phát triển chuỗi liên kết. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô. Thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc sang một số thị trường rất tiềm năng, như: Ấn Độ, Singapore, Dubai…

Và, nỗ lực nối lại hoạt động xuất khẩu nông sản với Trung Quốc

Cần nhắc lại rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông sản Việt Nam. Trong đó, có ngành hàng chiếm đến 80% giá trị xuất khẩu như rau quả…, vì thế việc nỗ lực nối lại hoạt động xuất khẩu sang đó là rất cần thiết, song hành cùng các giải pháp khác.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu nông sản trong thời gian diễn biến dịch bệnh nCoV chưa được kiểm soát, liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, ngày 05/02/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 808/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; đảm bảo công tác phòng, chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các đoàn xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất, ngay sau khi Trung Quốc kiểm soát được đại dịch nCoV và mở cửa trở lại.

Đồng thời, tích cực chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới để xúc tiến thương mại cho nông sản xuất khẩu. Đặc biệt, đưa ra đề xuất liên quan tới giải pháp trước mắt trong bối cảnh dịch nCoV kéo dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị ngành Công Thương các địa phương đẩy mạnh đưa hàng hóa, nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống bán lẻ, ưu tiên thị trường nội địa.

Về lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương nghiên cứu, điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thị trường tiêu thụ; tập trung quy hoạch, đầu tư vùng trồng để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã ban hành văn bản số 709/BCT-XNK, ngày 05/02/2020 đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị các hội viên, doanh nghiệp logistics cùng chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.

Tuy nhiên, do tình hình hình dịch bệnh tại Quảng Tây đang gia tăng, phía Trung Quốc tiếp tục lùi thời gian khôi phục hoạt động trao đổi cư dân biên giới. Theo đó, các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang về việc phía Trung Quốc lùi thời gian thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu phụ đến cuối tháng thay vì mở cửa lại vào ngày 10/2, như kế hoạch trước đây.

Như vậy, các cửa khẩu Na Hình, Bình Nghi, Cốc Nam ở Lạng Sơn sẽ mở cửa trở lại từ cuối tháng này. Các lô nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, kể cả thanh long, vẫn được làm thủ tục thông quan bình thường dù tiến độ có phần chậm hơn do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, từ ngày 5/2, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã bắt đầu thông quan, giải cứu nhiều container nông sản sau nhiều ngày tồn đọng. Để chống dịch, UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra phương án, lái xe container sau khi chở hàng qua Trung Quốc về Việt Nam sẽ được cách ly 14 ngày.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai bắt đầu thông quan từ trưa ngày 8/2. Trong 3 ngày đầu thông quan trở lại, lực lượng Hải quan đã làm thủ tục cho hàng trăm xe nông sản xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), trong đó hàng xuất khẩu nhiều nhất là thanh long./.