Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,53% so với tháng trước, trong đó lương thực giảm 0,59%, thực phẩm giảm mạnh 0,95% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,87%. Ngoài ra, có 3 nhóm khác là Đồ uống/thuốc lá, Giao thông và Bưu chính viễn thông có mức giá giảm trong tháng. Những nhóm hàng này đã hỗ trợ CPI cả nước tháng 3 giảm.

Còn thực phẩm, giữ đúng quy luật sau tết, giá cả các mặt hàng trở lại mức giá trước tết, tương đương mức giá của tháng 1 đầu năm. Duy chỉ có các mặt hàng sữa bột tăng giá mạnh nhưng do quyền số nhỏ nên không thể kéo chỉ số chung nhóm thực phẩm cao hơn tháng trước. Những nhóm hàng còn lại được ghi nhận tăng giá. Tuy nhiên, mức tăng nhẹ, dưới 0,3% so với tháng trước.

Đáng chú ý là sau khi dịch vụ y tế tác động lớn đến chỉ số chung trong các tháng trước, thì nay đã bình ổn trở lại khi chỉ tăng 0,02%. Một điểm nữa là, trong 10 tỉnh thành phố được chọn để công bố của Tổng cục Thống kê có hai tỉnh gần nhau, nhưng trong khi CPI tại Vĩnh Long tăng cao nhất ở mức +0,22%, thì CPI tại thành phố Cần Thơ lại giảm mạnh nhất, ở mức -0,3%.

CPI của tháng 3 đã trở về quy luật chung của các năm trước là tháng liền kề sau Tết có mức giảm giá so với tháng Tết. Nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết đã giảm. Như vậy, tính CPI bình quân quý 1/2013 tăng 6,91% so với quý 1/2012.

Không nằm trong rổ các mặt hàng tính CPI, chỉ số giá vàng và USD tiếp tục diễn biến trái chiều. Trong khi chỉ số giá vàng tháng 3 giảm 2,73% so tháng trước, giảm 4,27% so tháng 12/2012 và giảm 3,47% so cùng kỳ 2012 thì giá USD lại tăng 0,41% so tháng trước, tăng 0,36% so cuối 2012 và tăng 0,39% so cùng kỳ 2012.