Theo báo cáo, dịch Covid-19 khiến giá thiết bị y tế dùng cho công tác phòng chống lây nhiễm dịch (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, chất tẩy rửa...) và giá thuốc y tế tăng do nhu cầu tăng đột biến nên nguồn cung trong ngắn hạn chưa đáp ứng được, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Dịch Covid-19 khiến giá thiết bị y tế dùng cho công tác phòng chống lây nhiễm dịch tăng

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn (quý I/2020) do nhu cầu tiêu dùng giảm và nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm.

Ngoài ra, khi dịch bệnh kéo dài, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm theo giá xăng dầu thế giới do các hoạt động di chuyển, đi lại, giao thông của người dân trên thế giới bị hạn chế, nhất là tại các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch.

Đặc biệt, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc giảm, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thế giới giảm bởi Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới.

Trường hợp dịch Covid-19 kết thúc ở quý I/2020, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý II/2020. Nếu dịch Covid-19 kết thúc ở quý II/2020, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong gia đình tăng, cùng với giá xăng, dầu có xu hướng tăng trở lại khi hết dịch.

Theo kịch bản 1, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ Tết do nhu cầu tăng, sau đó trở về mức ổn định theo đúng quy luật tiêu dùng; ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc ở quý I/2020, CPI tháng 2 và tháng 3/2020 giảm so với tháng trước; giá xăng dầu, giá gas không tăng so với năm 2019; giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình tác động làm tăng CPI 0,35%. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%.

Còn ở kịch bản 2, giá thực phẩm tăng thêm 2% do nhu cầu tăng và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát. Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào một số ngành sản xuất tăng. Giá xăng dầu tăng trở lại điều chỉnh tăng 5%, giá gas tăng 10% ước tác động vào CPI khoảng 0,12%. Yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho thủy điện có thể xảy ra. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%./.