Những ngày qua, thông tin về cà phê bẩn làm từ đậu nành cùng nhiều loại hóa chất tại TP HCM đã gây lo ngại đáng kể trong dư luận và người tiêu dùng…

Riêng tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, vốn được xem là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam, các thông tin về cà phê bẩn còn gây tâm lý lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực cho uy tín của sản phẩm chủ lực, đã làm nên thương hiệu của địa phương.

Đi uống cà phê những ngày này, nhiều người tỏ ra thận trọng trong việc chọn quán để vào thưởng thức cũng như nhìn thật kỹ xem ly cà phê có những dấu hiệu gì đáng nghi hay không.

Anh Lê Quang Ánh, ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) cho biết, do thói quen và đặc thù công việc, mỗi ngày anh có thể vào uống cà phê 4-5 lần. Nhưng từ khi nghe thông tin về cà phê bẩn, anh bắt đầu lo ngại về thức uống hàng ngày của mình.

“Khi đi uống cà phê mà khách hàng không thể biết được cà phê nào tốt hoặc không tốt thì cảm thấy thực sự lo lắng. Vì vậy tôi cũng mong các cơ quan chức năng rà soát lại, kiểm tra lại các cơ sở chế biến cà phê bột để người tiêu dùng có được cà phê sạch nhất, tốt nhất” - Anh Lê Quang Ánh bày tỏ.

Dù trước mắt, lượng khách ở các quán cà phê tại Buôn Ma Thuột không giảm bởi những thông tin về cà phê bẩn ở TP HCM, nhưng các chủ quán vẫn cảm thấy lo lắng.

Theo bà Lê Thị Diệu Hiền, chủ quán cà phê Cỏ May, đường Ngô Quyền, những thông tin về cà phê bẩn có thể làm xấu đi hình ảnh của cà phê Việt Nam, gây ảnh hưởng về lâu dài. Và cà phê Đắc Lắc, vốn đã nổi tiếng cả nước cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Còn đối với những người rang xay, chế biến cà phê, sự lên tiếng của dư luận đối với cà phê bẩn còn khiến họ giật mình. Ông Cao Chánh Phương, chủ cơ sở chế biến cà phê bột Phương Sanh, ở 260 đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, lượng cà phê bột trôi nổi, giá rẻ, được chế biến ngay tại Đắc Lắc cũng có không ít; Loại này có chưa đầy 30% cà phê, còn lại là ngô và đậu nành. Nếu cơ quan chức năng không kiểm soát chặt, thì không chỉ những người sản xuất cà phê chân chính sẽ chịu thiệt thòi lớn, mà cà phê Buôn Ma Thuột thứ thiệt cũng bị cảnh vàng thau lẫn lộn làm cho lu mờ.

“Không những nghe mà tôi còn chứng kiến một số người sản xuất cà phê bẩn. Trong đó thành phần đậu có thể chiếm đến 60%, bắp chiếm 20% còn cà phê chỉ chiếm 20%. Ảnh hưởng không chỉ cà phê Buôn Ma Thuột mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Việt Nam” - Ông Cao Chánh Phương chia sẻ.

Chia sẻ trước lo lắng này, ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh - một trong số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn tại Đắc Lắc cho biết, cần phải lên án cách làm gian dối trong sản xuất cà phê, bởi tiếng xấu có thể sẽ nhanh chóng bay xa, gây những hệ lụy đáng kể. Mà hậu quả của nó, không chỉ với người rang xay và những nhà xuất khẩu gánh chịu. Các doanh nghiệp cũng đang cố gắng vươn ra thị trường thế giới, những thông tin này sẽ khiến thế giới có cái nhìn không tốt về cà phê bột Việt Nam.

Sau những thông tin báo chí về cà phê bẩn và sự lo lắng của dư luận, ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản Đắc Lắc cho biết, chi cục vẫn thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến cà phê bột có đăng ký hoạt động nhưng thời gian qua không phát hiện cơ sở nào vi phạm. Nhưng ông không có thông tin chính xác nào về sự kiểm soát đối với những cơ sở rang xay cà phê trôi nổi./.

Thực tế tại TP HCM đang đặt ra trách nhiệm lớn cho công tác quản lý chất lượng cà phê ở Đắc Lắc và các tỉnh Tây Nguyên. Theo kết quả được biết thì sản lượng cà phê của Đắc Lắc là khoảng trên 400.00 tấn/1 năm, của toàn vùng Tây Nguyên là trên dưới 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD/1 năm. Vì vậy nếu bị tai tiếng về chất lượng, dù chỉ một chút thôi thì thiệt hại kinh tế cũng sẽ là vô cùng lớn.

Và đối với công tác quản lý chất lượng, sẽ không chỉ của một Chi cục quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản hay đơn vị nào đó, mà là của cả chính quyền và cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị chức năng./.

Theo VOV