Cụ thể, Thống đốc Bình nhận trách nhiệm về việc Ngân hàng Nhà nước đã không làm tốt việc tuyên truyền phổ biến chính sách trong quản lý thị trường vàng, nên có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây bất ổn trên thị trường.

Thống đốc cho biết, trong thời gian qua, tình trạng vàng hóa của nền kinh tế đã được đẩy lên rất cao. Theo đánh giá không chính thức sơ bộ ban đầu trong nền kinh tế của nước ta có khoảng từ 300- 400 tấn vàng, hay nói một cách khác là có một nguồn lực cỡ khoảng từ 15 - 20 tỷ đô la không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bị chôn chặt vào vàng.

Hơn nữa, mỗi khi giá vàng có biến động nó làm ảnh hưởng đến tỷ giá thông qua hoạt động nhập khẩu lậu vàng gây nên ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao trong những năm qua và tạo ra sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng nhà nước thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 về việc kiên quyết chống đô la hóa và chống vàng hóa.

Đề án chống vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước có hai mục tiêu chính:

- Mục tiêu thứ nhất là làm sao cho biến động của giá vàng không làm ảnh hưởng đến tỷ giá, do vậy, không thể làm ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

- Mục tiêu thứ hai là làm sao ngăn chặn đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế và có thể huy động ngược trở lại nguồn vốn này cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án bao gồm 3 bước: Bước 1 là xây dựng khuôn khổ pháp lý; Bước 2 là chấm dứt hoạt động huy động cho vay bằng vàng trong hệ thống các tổ chức tín dụng; Bước 3 là chuyển toàn bộ sang quan hệ mua bán bằng vàng. Đến nay chúng tôi đã cơ bản triển khai được hai bước là bước 1 và và bước 2.

Về khuôn khổ pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 về quản lý mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Chính phủ đã ban hành Nghị định 95 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng. Đây là hai nội dung pháp lý hết sức quan trọng có tác dụng điều chỉnh mọi hoạt động trên thị trường vàng của chúng ta.

Nghị định 24 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5 năm nay và sau 5 tháng hoạt động chúng ta thấy đã có những kết quả ban đầu hết sức cơ bản. Từ tháng 5 trở lại đây, chúng ta nhận thấy trên thị trường vàng, giá vàng trong nước, giá vàng thế giới chênh nhau cũng khá lớn từ 1.000.000 cho đến nay 3.000.000. Nhưng chúng ta thấy thị trường có hai hiện tượng mà khác hẳn với trước đây.

Thứ nhất, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây nữa.

Thứ hai, mặc dù giá vàng biến động lớn như vậy nhưng tỷ giá của chúng ta hoàn toàn ổn định và thậm chí trong những ngày mà chúng ta đang đứng ở đây là giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3.000.000 nhưng tỷ giá vẫn tiếp tục hạ và Ngân hàng Nhà nước vẫn mua được ngoại tệ để tăng thêm dự trữ ngoại hối nhà nước.

“Như vậy, có thể thấy rằng mục tiêu quan trọng thứ nhất của đề án chống vàng hóa của chúng ta bước đầu đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa quyết định”, Thống đốc khẳng định.

Ngoài ra ông Bình còn cho biết thêm, từ tháng 5/2012 đến nay hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng. Nếu tính từ đầu năm, chúng ta cũng đã mua được khoảng 10 tỷ USD, đó là nguồn lực đã chuyển đổi từ ngoại tệ và vàng sang đồng Việt Nam để phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Nhờ vậy mà chúng ta có được thanh khoản của nền kinh tế, cải thiện được thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, giảm được lãi suất.

Đại biểu không đồng ý

Ngay sau bài phát biểu của Thống đốc Bình, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có phần phản biện thẳng thắn.

Dẫn lời Ủy ban Kinh tế tại báo cáo thẩm tra là cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, ông Hiến cho rằng nhận định này khác với trình bày của Thống đốc là cơ chế quản lý vàng bước đầu đã mang lại kết quả cực kỳ quan trọng.

“Tôi cho rằng nhận định này còn có vẻ nhẹ nhàng, còn né tránh trước vấn đề rất nóng trong thời gian qua”, đại biểu Hiến nhìn nhận.

Vị đại biểu này cũng không giấu vẻ sốt ruột khi “chúng ta đang ngồi đây và ngoài kia hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, để kiểm định, để có bao bì mới của SJC và chúng ta cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình”.

Ông Hiến cũng nêu thực tế, từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng thì thị trường vàng chia làm hai. Phần còn lại bán sát giá vàng thế giới, còn SJC luôn cao hơn 2 - 3 triệu đồng.

"Thống đốc nói vừa rồi mua vào 60 tấn vàng, tại sao Nhà nước phải mua 60 tấn vàngtrong khi giá cao, tại sao không nhập khẩu vàng từ nước ngoài nếu tỷ giá ổn định?”, ông Hiến đặt câu hỏi.

Tiếp tục dẫn thông tin họp báo Chính phủ ngày 28/10, Ngân hàng Nhà nước cho biết SJC chỉ nhận gia công và nhận 5.000 đồng phí, ông Hiến thẳng thắn: “Câu hỏi đặt ra là vậy SJC gia công cho ai, tại sao giá chênh lệch như vậy và chênh lệch vào túi ai, ngân sách nhà nước có được hưởng không?”.

Ngược với việc Thống đốc Bình đánh giá là vai trò của chính sách quản lý vàng đang đi đúng hướng và kiên trì đi theo định hướng đó, đại biểu Hiến lại có cách nhìn ngược lại.

Theo ông Hiến, từ khi thực hiện chính sách đã gây tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp kinh doanh vàng, cho người dân phải bù tiền để chuyển đổi nhưng nếu doanh nghiệp nào được chuyển đổi thì được phép đội mũ SJC thì thu lợi rất lớn.

Cụ thể, ngày 19/9 Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã cho phép SJC chuyển đổi 13 tấn vàng, tức là 350.000 lượng từ vàng miếng các thương hiệu khác sang thương hiệu SJC.

“Quy trình chuyển đổi từ vàng phi SJC sang SJC bị buông thả để mặc thị trường xoay xở phần thiệt thuộc về người dân và doanh nghiệp giữ vàng phi SJC. Tâm lý nóng vội, hoang mang, lo sợ, lôi kéo hành vi của số đông”, ông Hiến cho hay.

Hơn một tháng sau, Ngân hàng Nhà nước mới an ủi và trấn an là dân đừng có vội vàng chuyển đổi.

Ông Hiến chỉ ra, vấn đề này càng không công khai, càng trì hoãn thì càng gây thiệt hại và làm mất lòng tin của nhân dân.

Đặc biệt, việc xuất hiện vàng nhái SJC không nhiều nhưng gây hoang mang lớn và chỉ SJC mới có quyền phán là nhái hay không, trong khi đó vàng vẫn là 4 số 9. Khi khẳng định vàng nhái

thì thu vào trừ 3 triệu đồng/lượng, chúng ta tính được một phép tính dân chuyển đổi mất 3 triệu nếu phải vàng nhái bán lại cho SJC mất 3 triệu nữa là 1 lượng vàng dân mất 6 triệu đồng.

Điều đáng suy nghĩ, theo vị đại biểu này là “Chỉ có ở nước ta giá vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu mà không phụ thuộc vào tuổi vàng”.

“Vì thế những mục đích huy động vàng trong dân không đạt được, các ngân hàng thương mại không được huy động vàng, nên phải mua, mua thì nhu cầu tăng, giá tăng thì tác động xấu lên thị trường. Như thế mục đích kéo sát giá thế giới không đạt được, khi ngân hàng thương mại không được kinh doanh vàng thì huy động vàng trong dân cũng sẽ khó khăn”, ông lý luận.

Cuối cùng, vị đại biểu này đề nghị, công khai minh bạch trong chính sách vàng và các chính sách khác. Bởi theo ông, nếu không làm thế, sẽ càng làm suy giảm lòng tin đã xuống rất thấp và tạo nghi ngờ đề động cơ, mục đích.

Phương Anh