Luôn ngược chiều thế giới

Giá xăng dầu trong nước những năm qua hầu như chỉ có tăng, trong khi giá thế giới thì có tăng có giảm

Trước đây, Việt Nam nhập xăng dầu 100% từ nước ngoài để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Gần 3 năm trở lại đây, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa nhưng nhu cầu về mặt hàng thiết yếu này vẫn rất lớn. Cho nên, giá xăng dầu Việt Nam cơ bản vẫn phụ thuộc vào giá thế giới.

Thế giới thấp, trong nước cao

Trong vòng 10 ngày qua, giá dầu thô thế giới giảm nhiều hơn tăng. Ngày 3-5, dầu còn 105,14 USD/thùng. Đây là mức giảm khá sâu vì cách đây đúng một tháng, giá dầu thô thế giới xoay quanh mức 125 - 130 USD/thùng. Và cũng khi ấy, giá xăng A92 tại Singapore - thị trường cung ứng xăng dầu cho Việt Nam - tăng rất cao, hơn 137,5 USD/thùng. Còn nay, trong 2 ngày 2 và 3-5, giá xăng tại thị trường này dao động quanh mức 128 - 129 USD/thùng, thấp hơn 30 ngày trước gần 10 USD/thùng.

Như vậy, tại sao giá thế giới trong vòng 30 ngày qua luôn nằm trong quỹ đạo giảm khá sâu mà giá xăng dầu trong nước thì không giảm, thậm chí còn tăng (đợt tăng mới nhất hôm 20-4, xăng A92 thêm 900 đồng/lít, lên 23.800 đồng lít; dầu DO thêm 600 đồng/lít, lên 21.900 đồng/lít)? Các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối luôn có cách giải thích thắc mắc này rất dễ: Theo Nghị định 84, giá cơ sở (để xây dựng giá bán lẻ) phải là mức giá trung bình của 30 ngày. Lần điều chỉnh gần nhất là ngày 20-4, vậy phải chờ đến ngày 20-5 mới tính!

Tại buổi họp báo trực tuyến của Bộ Công Thương chiều 2-5, báo giới đã đặt vấn đề: Giá xăng dầu thế giới đang hạ nhiệt khá lâu, sao giá xăng dầu trong nước chưa giảm, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), luận giải: Việc điều chỉnh giá cần được xem xét, không thể tăng - giảm ngay theo biến động giá của thế giới mà phải tuân theo các quy định tại Nghị định 84. Mặt hàng xăng dầu được dự trữ trong 30 ngày nên thiết kế giá trên cơ sở bình quân của 30 ngày và sẽ căn cứ vào biến động giá xăng dầu tại thị trường Singapore để có điều chỉnh phù hợp.

Tăng nhanh, giảm chậm

Những gì ông Quyền viện dẫn để giải thích cũng chính là chiếc cần câu “vỗ béo” các DN xăng dầu lâu nay. Cần nhớ là ngày 4-4, khi giá xăng A92 tại Singapore vượt qua mức 137,5 USD/thùng, các DN xăng dầu đầu mối nước ta đã đòi tăng giá gấp. Đến ngày 20-4, Nhà nước cho tăng giá thì giá xăng tại thị trường Singapore giảm mạnh, còn 128,14 USD/thùng. Từ chỗ đang lỗ 500-600 đồng/lít xăng (theo báo cáo của các DN), tính theo giá mới, các DN đã lội ngược dòng, có lãi ít nhất 300 đồng/lít xăng. Trong nửa tháng qua và từ đây đến ngày 20-5, trong điều kiện thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn bằng 0, đồng thời giá đầu vào ổn định như vậy, các DN xăng dầu đã và sẽ tiếp tục có lãi lớn. Trước đây, việc lỗ lã có phần do trích lập quỹ bình ổn (khoảng 5.000 tỉ đồng, tính đến hết quý I/2012), số tiền này sẽ được Bộ Tài chính tham mưu xử lý, đến khi DN có lãi nhiều thì lẽ ra phải điều tiết phần ấy với người tiêu dùng bằng cách giảm giá bán. Đằng này, DN hầu như chưa bao giờ làm điều đó!

Qua đó, chúng ta thấy rất rõ 2 nghịch lý: Một là, cách tính giá 30 ngày quá bất cập, chỉ có lợi cho DN, còn người dân thì không được gì cả, vì lời thì DN ăn, lỗ thì DN tăng giá, người tiêu dùng phải chịu. Hai là, liên bộ Tài chính - Công Thương luôn khẳng định sẽ thả giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới nhưng chỉ nói lý thuyết vì thực tế cho thấy giá thế giới tăng thì chiều ý cho DN tăng theo, còn giá thế giới giảm thì cứ để DN đủng đỉnh…

Phi cạnh tranh

Căn nguyên của tình trạng giá xăng dầu Việt Nam luôn ngược dòng với giá thế giới, suy cho cùng, chính là tình trạng độc quyền. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 3-5, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Quang A cho rằng: “Thị trường xăng dầu nước ta có đến 11 nhà cung cấp chính, có thể có cạnh tranh nhưng 3 “ông lớn” chiếm đến trên 90% thị phần rồi, riêng Petrolimex khoảng 60% thị phần. Tưởng là có cạnh tranh nhưng tất cả các DN Nhà nước này đều bán một giá, làm gì có cạnh tranh. Tiêu chuẩn cạnh tranh như thế không thỏa mãn”. Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, Nhà nước phải phá thế độc quyền để tạo ra cạnh tranh thực sự giữa các DN trong ngành, chứ không phải dùng “bàn tay hành chính” để can thiệp về giá như lâu nay.

Vậy làm thế nào để phá vỡ tình trạng độc quyền đó, theo TS Nguyễn Quang A, Nhà nước phải tổ chức lại các DN xăng dầu để tạo ra 2-3 DN lớn ngang ngửa nhau, buộc các DN cạnh tranh quyết liệt với nhau. “Theo thị trường là phải buộc các DN cạnh tranh bình đẳng với nhau và để chính các DN ấy định giá, chứ không phải theo công thức của các bộ” - TS Nguyễn Quang A nói.

Theo: Người Lao động