Thị trường thương mại điện tử sôi động

Sáng ngày 2/6, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển thương mại điện tử - Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tin tưởng, Việt Nam có tiềm năng khá lớn để phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, nhờ tỷ lệ dân số trẻ cao, hệ thống hạ tầng internet/viễn thông tương đối phát triển.

Toàn cảnh hội thảo

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Vũ Hoàng Linh, Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có khoảng 59 triệu người dùng internet. 79% người dùng internet có độ tuổi từ 16-64 đã thực hiện mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có số lượng người sử dụng smartphone cao nhất tế giới (Hình).

Hình: Nhóm quốc gia có số lượng người sử dụng smartphone cao nhất thế giới

(Đơn vị: triệu người)

Nguồn: Statista (2019)

Phân tích rõ hơn thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Phan Thế Quyết, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao, nên quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam lên tới khoảng 8 tỷ USD năm 2018, dự kiến đạt 13 tỷ USD năm 2020 và 33 tỷ USD năm 2025. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến, mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.

Theo ông Quyết, dịch vụ hoàn tất đơn hàng có mối quan hệ khăng khít với bán lẻ trực tuyến. Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử, năm 2018 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Ba yếu tố nổi bật của lĩnh vực này là đầu tư gia tăng mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh khốc liệt.

Qua khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử, trên phạm vi cả nước, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ là 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%.

Và những cơ hội phát triển mạnh mẽ

Theo TS. Lê Xuân Sang, đại dịch Covid đã và đang tác động sâu sắc đối với nền kinh tế thế giới và với mức độ ít hơn đối với nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý là, đại dịch Covid có tác động cả tiêu cực lẫn tích cực lên nền kinh tế. Thương mại điện tử và một số ngành phục vụ khách hàng thông qua tiếp xúc trực tiếp con người và giúp phòng, chữa bệnh cũng như phục vụ việc cách ly, giãn cách xã hội là những ngành được hưởng lợi từ đại dịch này.

“Đặc biệt, chính đại dịch đã tạo ra cú huých mạnh, thúc đẩy cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng tham gia sâu, rộng và dứt khoát hơn vào các hoạt động thương mại điện tử, giúp ngành

Việt Nam được đánh giá là đất nước có những tiền đề, nhiều lợi thế trong thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số. Đó là “lợi thế người đi sau”, nhận thức, ý chí chính trị, lợi thế người đi sau; mức độ số hóa nền kinh tế, nguồn nhân lực và hành động của nhiều doanh nghiệp. Song thách thức cũng rất lớn và chúng nằm trong mọi chiều cạnh được nhìn nhận tích cực. Cả màu “sáng” và “xám” đan xen nhau, có thể chuyển hóa lẫn nhau và đó là lý do vì sao cơ hội có thể biến thành thách thức và ngược lại.

này thành điểm sáng và trong thời gian dài sẽ là cứu cánh, làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng”, TS. Sang cho biết.

Tuy vậy, TS. Lê Xuân Sang lại bày tỏ sự lo ngại đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam. Theo công bố của iPrice Group và SimilarWeb, trong khi Shopee Việt Nam có lượng truy cập ngày càng tăng mạnh, nhất là khi nổ ra đại dịch Covid (với 43,16 triệu lượt truy cập trong quý I/2020), thì lượng truy cập vào Sen đỏ và Lazada Việt Nam trong quý I lại giảm mạnh, lần lượt là 9,6 và 7,3 triệu lượt.

Rào cản đối với sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam được TS. Lê Hoàng Linh chỉ ra, xuất phát từ những quy định, chính sách; niềm tin của người tiêu dùng; cơ sở hạ tầng logistics; cũng như hình thức thanh toán COD còn phổ biến.

Mặc dù vậy, nhận định về xu hướng phát triển của thương mại điện tử, TS. Lê Hoàng Linh cho rằng, Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng liên tục của mua sắm di động. Bên cạnh đó là các sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Đây là kênh giao dịch hiệu quả với chi phí phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân. Mặt khác, logistics thương mại điện tử cũng đang có sự phát triển nhanh chóng và thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng mạnh mẽ.

Đảm bảo thị trường thông thoáng, lành mạnh

Để phát triển thương mại điện tử nói chung và nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp thông qua phát triển thương mại điện tử nói riêng, ông Phan Thế Quyết đề xuất, điều cần làm trước tiên là đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại điện tử đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi áp dụng trong đời sống hiện thực. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý, giám sát đảm bảo thương mại điện tử phát triển đúng định hướng của Nhà nước và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.

Cùng với việc tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần nâng cao sự hiểu biết của người tiêu dùng về thương mại điện tử. Áp dụng các chương trình đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn doanh nghiệp tin cậy để giao dịch.

Mặt khác, tăng cường năng lực cán bộ và các công cụ, phương tiện kỹ thuật nhằm nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn kịp thời các loại hình lừa đảo trực tuyến.

Việt Nam cũng cần nghiên cứu, triển khai việc thu thuế đối với các cơ quan, đơn vị về việc tổ chức, cá nhân có hoạt động mua, bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, Instagram... Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Ngoài ra, theo ông Phan Thế Quyết, cần phát triển hệ thống thanh toán trong thương mại điện tử thông qua việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đầu tư hạ tầng công nghệ số, công nghệ thẻ chip EMV, công nghệ NFC, mobile payment… Khuyến khích liên kết, hợp tác chủ thẻ và nhà cung ứng hàng hóa dịch vụ, ngân hàng và các công ty công nghệ; tăng cường hệ thống bảo mật, an toàn thông tin cho thanh toán điện tử; truyền thông và giáo dục, khuyến khích hình thành thói quen và xã hội phi tiền mặt...

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Khóa Việt – TIệp cũng gợi ý: “Để đảm bảo thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan đưa ra các quy định, điều kiện để được tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn nữa, đưa ra các chế tài xử phạt thật nặng để làm trong sạch cho thị trường hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng được mua những sản phẩm tốt, sản phẩm chính hãng và nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam phát triển hơn nữa”./.