22 mặt hàng trong “câu lạc bộ” xuất khẩu tỷ USD

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 121,21 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 6 tháng, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%). Trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,3 tỷ USD, tăng 24,2%; hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25,2%; giày dép đạt 8,1 tỷ USD, giảm 6,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 2,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,8 tỷ USD, giảm 11,1%; thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, giảm 8,3%.

Kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,3 tỷ USD trong 6 tháng

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 64 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 52,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 43,3 tỷ USD, giảm 3,7% và chiếm 35,7% (giảm 1 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 10,4 tỷ USD, tăng 1% và chiếm 8,6% (tăng 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 8,3% và chiếm 2,9% (giảm 0,2 điểm phần trăm).

Trong số thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% (do mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 127,9%). Thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, giảm 8,8%. Thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 14,2%. Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, giảm 2,3%. Hàn Quốc đạt 9,3 tỷ USD, tăng 2,3%.

Nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ

Nửa đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27 tỷ USD (chiếm 23,1% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,9 tỷ USD, giảm 4,2%; điện thoại và linh kiện đạt 6 tỷ USD, tăng 3,7%; vải đạt 5,6 tỷ USD, giảm 15,3%; sắt thép đạt 4 tỷ USD, giảm 16,3%; chất dẻo đạt 3,9 tỷ USD, giảm 11,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 3,2 tỷ USD, tăng 5,4%; kim loại thường đạt 2,9 tỷ USD, giảm 9%...

Xét về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 109,5 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 54,2 tỷ USD, giảm 1,7% và chiếm 46,3% (tăng 0,7 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 55,3 tỷ USD, giảm 3,9% và chiếm 47,2% (giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 7,7 tỷ USD, giảm 6,5% và chiếm 6,5% (giảm 0,3 điểm phần trăm).

6 tháng qua, Trung Quốc duy trì là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 10%. Thị trường ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, giảm 11,9%. Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 5,3%. Hoa Kỳ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 7,2%. Thị trường EU đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8,4%.

Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 4 tỷ USD, khá cao so với 1,7 tỷ USD của cùng kỳ năm trước./.