Lý giải nguyên nhân chủ yếu làm CPI tăng, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 9, có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 2,29% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,12%.

Mặt khác, dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/8/2020, thời tiết tháng 8/2020 nắng nóng, kéo theo giá điện sinh hoạt tính trong CPI tháng 9/2020 tăng 3,23%; giá nước sinh hoạt tăng 0,4% so với tháng 8.

Giá điện sinh hoạt tính trong CPI tháng 9/2020 tăng 3,23%

Giá gạo tăng 0,71% so với tháng 8 do nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng vì lo ngại dịch Covid-19 có thể kéo dài. Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480-490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 9/2020 như: giá xăng dầu điều chỉnh giảm vào ngày 27/8/2020, ngày 11/9/2020 và ngày 26/9/2020, bình quân tháng 9/2020 giá nhiên liệu giảm 0,05% so với tháng trước, trong đó: giá xăng E5 giảm 190 đồng/lít, giá xăng A95 giảm 130 đồng/ lít, giá dầu diezen giảm 840 đồng/lít so với tháng trước.

Giá vé tàu hỏa giảm 1,26% so với tháng trước do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vào cuối hè. Mặt khác, giá thịt lợn, giá thịt gia cầm, thủy sản tươi sống giảm do nguồn cung giảm nhiều và nhu cầu giảm.

Tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm trước./.