“Phao” hỗ trợ doanh nghiệp ra biển lớn

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, các nội dung về phòng vệ thương mại ngày càng trở nên phổ biến.

Phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Công cụ này có vai trò quan trọng, đảm bảo môi trường cạnh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước, chống lại các hiện tượng chống bán phá giá, nhà nước trợ cấp hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất trong nước.

“Phòng vệ thương mại được coi là phao hỗ trợ doanh nghiệp đi ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, các nước có tự do thương mại cao nhất thì sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhiều nhất”, ông Lê Triệu Dũng khẳng định.

Các diễn giả tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh mẽ thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác. Điều này giúp thị trường Việt Nam trở nên sôi động và cạnh tranh hơn.

“Tuy nhiên, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, gây cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước”, bà Trang nói.

Đó là chưa kể, qua việc tham gia các FTA này, mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam về cơ bản giảm xuống mức thấp. Khi đó, sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu cũng gia tăng. Vì vậy, việc sử dụng các công cụ như phòng vệ thương mại là cần thiết.

Thực tế, trước tình trạng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa nước ngoài đã góp phần bảo vệ các ngành sản xuất, với khoảng 6% GDP năm 2019, bảo vệ gần 150.000 việc làm. Trong đó, một số ngành như thép, nhôm, phân bón… nếu không sử dụng công cụ phòng vệ, để phụ thuộc hàng nhập khẩu thì rất rủi ro.

Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra.

Nhờ đó, Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; bảo đảm nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại

Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Việt Nam mới áp dụng phòng vệ thương mại đối với 20 vụ việc, chỉ bằng 1/10 so với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng phòng vệ thương mại ở nước ngoài.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, hạn chế của Việt Nam là pháp luật về phòng vệ thương mại chưa hoàn thiện, năng lực cơ quan điều tra còn nhiều điểm cần học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp chưa cao, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý.

Cũng về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức về phòng vệ thương mại. Trong khi các doanh nghiệp FDI có bộ phận ra soát các quy định để đưa ra chiến lược hoạt động thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến khi ký đơn hàng, thậm chí là xuất khẩu hàng đi rồi mới biết quốc gia này đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại thông tin, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA. Trong đó, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các văn bán phảp luật, chính sách về phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đẩy mạnh công tác đào tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế…

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA về phòng vệ thương mại. Dự thảo nhằm mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho việc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo EVFTA, nội luật hóa các quy định của EVFTA nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định này tới doanh nghiệp…/.