Ngày 26/11, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020.

Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên lớn nhất về ngành dịch vụ logistics, thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 50 tổ chức quốc tế cùng đại diện các bộ, ban, ngành và hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu.

Qua 7 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành một không gian uy tín, kết nối và hội tụ sự tham gia, chia sẻ và phản hồi thông tin của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp; thể hiện mạnh mẽ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu.

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, ngoài phiên toàn thể với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", 2 hội thảo chuyên đề trong buổi chiều là cơ hội để đại biểu có nhiều thời gian thảo luận tập trung hơn về những nội dung quan tâm gồm: Một là, Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội; Hai là, Chuyển đổi số trong logistics.

Tham dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Giám đốc phụ trách hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Stefanie Stallmeister... cùng đại diện nhiều bộ, ngành, hiệp hội và đông đảo các doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế.

Cơ hội và thách thức từ các FTA tới ngành logistics

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, nhìn chung, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: CPTPP, EVFA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào bởi được chuyển giao công nghệ và nhập khẩu các yếu tố đầu vào rẻ hơn theo các điều kiện ưu đãi.

Điều này đã phần nào phản ánh qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 ước đạt 439,8 tỷ USD đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh những yếu tố tác động tích cực, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, việc thực thi các FTA sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh; việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước thành viên trong hiệp định vào Việt Nam gia tăng, tạo sức ép cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Nguy cơ này đặc biệt phải chú trọng quan tâm đối với nhóm hàng nông sản vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập kinh tế là nông dân và nông thôn.

Nhìn chung, các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong WTO và cơ bản là phù hợp với các quy định pháp luật và chính sách hiện hành.

Riêng đối với dịch vụ logistics, các FTA này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: (i) Cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; (ii) Cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ. Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.

Dịch vụ logistics đóng góp khoảng 4%-5% GDP

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo Phó Thủ tướng, kết quả này có sự đóng góp của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế. Trong đó, có đóng góp rất quan trọng của ngành logistics.

Đánh giá cao sự phát trển của logistics tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, được phát triển từ những năm 1990, tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, logistics đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, hệ thống chính sách, pháp luật về logistics ngày càng được hoàn thiện; Kết cấu hạ tầng logistics trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy tốt hiệu quả.

Phó Thủ tướng đánh giá, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12%-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60%-70%, đóng góp khoảng 4%-5% GDP .

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

Riêng đối với ngành logistics tại Hà Nội, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phát triển hệ thống trung tâm logistics, trong đó Hà Nội có trung tâm logistics Bắc Hà Nội tại Sóc Sơn, quy mô 50ha và trung tâm logistics Nam Hà Nội tại Thường Tín, quy mô 30ha.

Thực hiện Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã định hướng triển khai 10 trung tâm logistics, trong đó, có 6 trung tâm đã có chủ trương đầu tư, 3 trung tâm đang nghiên cứu và 1 trung tâm tiếp tục kêu gọi đầu tư. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức hàng năm, Thành phố đã đưa các trung tâm logistics vào danh mục dự án để kêu gọi đầu tư.

“Hà Nội có gần 30 vạn doanh nghiệp đang hoạt động nên vấn đề dịch vụ logistics rất quan trọng. Bên cạnh việc phát triển các cảng cạn ICD, một lợi thế của Hà Nội là có nhiều dòng sông lớn, do vậy, Thành phố cũng sẽ nghiên cứu để phát triển mạnh hơn các cảng container đường thủy” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đánh giá cao việc Hà Nội đã quan tâm quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển hạ tầng giao thông, kho bãi dịch vụ logistics; đồng thời, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng ngành dịch vụ logistics 4.0... Với những yếu tố đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng chắc chắn Hà Nội sẽ là điểm nhấn, là hình mẫu trong việc đưa logistics là động lực và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục hiệu quả như: chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung...

Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các bộ, ngành cùng vào cuộc để phát triển dịch vụ logistics

Từ những tồn tại của ngành dịch vụ logistics, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ban ngành, đó là:

Một là, tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics;

Hai là, khẩn trương, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics;

Ba là, ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển logistics;

Bốn là, các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước;

Năm là, Bộ Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia; phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương;

Sáu là, tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Đề cập đến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho biết, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Bộ cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bởi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của nền kinh tế.

Nhận thức rõ những vấn đề đang tồn tại trong tính kết nối hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng và kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không.

Đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực triển khai vận chuyển đa phương thức và ứng dụng công nghê thông tin trong lĩnh vực vận tải nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí logistics./.