Chương trình được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự chủ trì của ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương. Với sự tham gia, đồng hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), diễn đàn đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các bộ/ngành Trung ương và địa phương, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối, logistics, hiệp hội ngành hàng có mặt tại Hội trường, gần 1.000 người xem trực tuyến thông qua mạng xã hội.

Về phía khách quốc tế, chương trình có sự tham dự và phát biểu của ông Yerlan Baizhanov, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam, ông Maciej Duszynski, Phó Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam, và đại diện các đoàn ngoại giao của các nước khu vực Á – Âu tại Việt Nam, bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sắp xếp để các tham tán thương mại/ trưởng cơ quan Thương vụ phụ trách 27 nước trong khu vực Á – Âu kết nối trực tuyến từ các điểm cầu tham gia Diễn đàn.

Đại diện các thương vụ phụ trách các quốc gia trong khu vức Á – Âu tham gia trực tuyến

Diễn đàn Quốc tế Hợp tác Thương mại với các đối tác khu vực Á- Âu do Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức là một sự kiện thường niên, tiếp nối thành công của Diễn đàn thương mại Việt Nam - Đông Âu lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5 năm 2019, nhằm mục tiêu cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp thông tin về chính sách và thị trường các nước trong khu vực, tìm hiểu nhu cầu và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang khu vực Á - Âu, bao gồm các khu vực Đông Âu và khu vực Trung Á.

Đối với khu vực Á – Âu, đây là một liên khu vực có diện tích địa lý rộng lớn với tổng diện tích khoảng 23 triệu km2 và dân số khoảng hơn 400 triệu người, bao gồm những quốc gia là những thị trường được coi là thị trường xuất khẩu truyền thống và quan trọng của Việt Nam trong nhiều thập kỷ.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực trong thời gian dài đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân các nước chung tay vun đắp trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã được đào tạo tại các nước Đông Âu, các nước Trung Á và nhiều người trong số họ đang giữ những cương vị trọng trách trong bộ máy Nhà nước, cũng như trong đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam. Đây là tài sản vô giá của tình hữu nghị, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Á - Âu.

Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Á – Âu trong thời gian dài đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân các nước chung tay vun đắp trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và sẵn sàn giúp đỡ lẫn nhau. Đây là tài sản vô giá, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vức Á – Âu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Mặc dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid – 19, kim ngạch thương mại với khu vực Á – Âu trong 10 tháng năm 2020 cho thấy đây vẫn là khu vực có tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 10,34 tỉ USD, tăng 17,98%. Trong đó, xuất khẩu đạt 7,18 tỉ USD tăng 16,15% nhập khẩu đạt 3,16 tỉ USD tăng 22,35% so với
cùng kỳ năm 2019.

Đại diện các Đại sứ quán khu vực Á – Âu tại Việt Nam, các Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước khu vực Á – Âu, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng Việt Nam đã sôi nổi chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình thị trường, kinh nghiệm phát triển thị trường và kinh doanh với các nước trong khu vực, cũng như các giải pháp để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, các đại biểu đã nhấn mạnh về tiềm năng dư địa cho thương mại, nếu tính trên tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2020 của khu vực khoảng 1.400 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,5% thị phần, cho thấy dư địa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn. Trong tương lai, việc tận dụng hiệu quả FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu và Liên minh Châu Âu cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam với các nước khu vực Á - Âu nói chung, khu vực Đông Âu, Trung Á nói riêng.

Trong thời gian tới, để có thể tận dụng được các ưu đãi từ các FTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về các điều khoản của Hiệp định, thị trường và tuân thủ các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra, cấn đặc biệt lưu ý đến vai trò quan trọng của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước và các đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại của các nước tại Việt Nam trong việc cung cấp thông tin thị trường cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp gia tăng các cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa, mở rộng và đa dạng hóa mặt hàng.

Đáng lưu ý, các Thương vụ của Việt Nam tại các nước là các cầu nối quan trọng cho xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may, đồ gỗ và da giày./.