Thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ

Tại Hội thảo Đánh giá 2 năm thực hiện CPTPP - Hướng tới tương lai bền vững hậu COVID-19 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Hà Nội tổ chức sáng nay (23/3), bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam khẳng định, CPTPP đã cải thiện khả năng tiếp cận cho hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Canada và Việt Nam, củng cố một bộ quy tắc chung, giảm chi phí đối với thương mại và giúp cho hoạt động đầu tư dễ dự đoán hơn. Điều này giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm tại hai thị trường.

Bà Deborah Paul, Đại sứ Canada phát biểu tại hội thảo

Chỉ rõ những cơ hội thuế quan với hàng nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho biết: 65,8% tổng số dòng thuế được loại bỏ (thuế suất 0%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các dòng thuế còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế đặc biệt, tối đa là vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Ở chiều ngược lại, hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Canada cũng có rất nhiều cơ hội: 94,5% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực với Canada (tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam); 96,3% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (tương đương 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam); áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 96 dòng thuế của 3 nhóm mặt hàng: thịt gà, trứng, bơ sữa và sản phẩm bơ sữa.

Nhờ đó, sau 2 năm triển khai Hiệp định CPTPP tại Việt Nam, giá trị thương mại hàng hóa song phương giữa Canada và Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ CAD vào năm 2020, tăng 12% so với năm trước và 37% sau hai năm Hiệp định có hiệu lực, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới thương mại toàn cầu.

Đặc biệt, tổng giá trị của xuất khẩu Việt Nam sang Canada tăng gần 16% vào năm 2020, với sự gia tăng đáng kể đối với điện thoại di động, giày dép, đồ nội thất và may mặc. Những lợi ích này sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Hiệp định CPTPP mở rộng thông qua việc phê chuẩn và gia nhập của các thành viên mới.

Hình: Kết quả xuất nhập khẩu Việt Nam – Canada giai đoạn 2016-2020

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, do đại dịch COVID-19, năm 2020 tỷ lệ tăng trưởng thương mại giữa 2 bên có phần chậm lại, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với mức trung bình xuất khẩu của Việt Nam.

Điều đó cho thấy, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Canada là một trong những mẫu hình thành công và hiệu quả nhất của việc thực hiện CPTPP. Kết quả này có được là nhờ nỗ lực vượt bậc của Chính phủ và doanh nghiệp hai bên trong việc thiết lập cơ chế khai phá thị trường, kết nối hợp tác kinh doanh giữa hai bên vượt qua những trở ngại khách quan và chủ quan trong suốt hai năm qua.

Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin để hưởng ưu đãi thuế quan

Cơ hội là rất hấp dẫn, tuy vậy doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng tối đa để xuất - nhập khẩu với các nước CPTPP. Khảo sát của VCCI cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan trong CPTPP cho hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa với Canada. Nguyên nhân mà họ chỉ ra là không biết có ưu đãi thuế quan theo CPTPP; nguồn nguyên liệu/công đoạn sản xuất/giá trị hàng hóa… của doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ của CPTPP; hay đã hưởng ưu đãi thuế theo FTA khác có lợi hơn…

Theo VCCI, để nhập khẩu hiệu quả hàng hóa từ Canada, tận dụng cơ hội từ CPTPP, doanh nghiệp nhập khẩu cần nghiên cứu đầy đủ về nguyên tắc xuất xứ trong CPTPP; thường xuyên cập nhật quy định và quy trình nhập khẩu hàng hóa từ Canada để được hưởng ưu đãi thuế quan; tăng cường quảng bá, tập trung vào chất lượng và uy tín sản phẩm; tìm kiếm thông tin, hỗ trợ từ chính phủ và các hiệp hội ngành hàng…

Bên cạnh đó, để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các cam kết thuế quan của Canada trong Hiệp định, cũng như các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế, cũng như các vấn đề liên qua khác như tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại…

Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu chi tiết và cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nội địa của Canada và đảm bảo tuân thủ đầy đủ luật liên bang và luật nội bang của Canada; nghiên cứu kỹ thị trường Canada, đặc biệt là các thị trường ngách. Đồng thời, tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh phân phối hàng hóa ở Canada, nhât là các kênh thương mại điện tử đang ngày càng phổ biên và trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng.

Quan trọng không kém là, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng, mẫu mã, thương hiệu của sản phẩm. Đầu tư cho cải tiến kỹ thuật, tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất và chế biến sản phẩm bằng cách liên doanh, liên kết với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước…/.