Đây là một trong số những nội dung được thống nhất tại Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Ả-rập Xê-út được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào chiều ngày 07/4/2021 tại Hà Nội và Riyald.

Kỳ họp 4 Ủy ban hỗn hợp do ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam chủ trì tại điểm cầu ở Hà Nội, Việt Nam

Kỳ họp 4 Ủy ban hỗn hợp do ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và ông Bandar AlKhamies Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Ả-rập Xê-út, đồng Chủ trì. Cuộc họp còn có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Ngoại giao; Công Thương; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Công An; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi nguyên; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thống tấn xã Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số doanh nghiệp có quan tâm hợp tác với Ả-rập – Xê-út như các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Hóa chất Việt Nam và Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Cùng tham dự Kỳ họp còn có sự tham dự của Ông Saud F.M. Al Suwelim, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương Quốc Ả-rập Xê-út tại Việt Nam và các bộ của Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại điểm cầu Hà Nội.

Tại Phiên họp toàn thể, hai đồng Chủ tịch Ủy ban đã trao đổi, thông báo một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước trong thời gian qua; đồng thời tiến hành đánh giá, kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác kể từ Kỳ họp lần thứ 3 đến nay và đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của cơ chế Uỷ ban hỗn hợp trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, và tiếp tục mở đường cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển. Một số kết quả đạt được trong hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út trong thời gian qua có thể kể đến gồm:

(i) Quan hệ chính trị - ngoại giao phát triển hết sức tốt đẹp, hai Bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, cùng ủng hộ chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo hòa bình và phát triển toàn cầu.

(ii) Ả-rập Xê-út là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Châu Phi. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung lẫn nhau. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước liên tục tăng nhanh và đạt mức cao mức nhất là 1,87 tỷ USD vào năm 2014; và năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nhưng kim ngạch hai chiều vẫn đạt 1,6 tỷ USD.

(iii) Đầu tư của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi khả năng và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út rất hùng mạnh, mà Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út đầu tư vào Việt Nam, nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước. Ả-rập-Xê-út hiện có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,37 triệu USD, đứng thứ 89/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.

Tại Kỳ họp lần này, một số lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy hợp tác, như: (i) Tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương thông qua việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu theo đúng nhu cầu và thế mạnh của nhau; (ii) Tăng cường thu hút đầu tư từ Ả-rập Xê-út vào Việt Nam (đầu tư trực tiếp và thông qua các quỹ của Ả-rập Xê-út); tháo gỡ khó khăn trong quan hệ thương mại giữa hai nước; (iii) Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần thiết để tạo thuận lợi, hỗ trợ hoạt động thanh toán, thương mại, đầu tư của doanh nghiệp và cư dân hai nước; (iv) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, điện, dầu khí, năng lượng tái tạo, hóa chất, chế biến thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển, đường xá, khu công nghiệp), xây dựng dân dụng (khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn, khu đô thị...), các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; và (v) Thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất, sâu rộng trong các lĩnh vực, như: quốc phòng an ninh, lao động, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin truyền thông …

Kết thúc Phiên họp toàn thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, (tại điểm cầu Hà Nội) và Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Ả-rập Xê-út (tại điểm cầu Riyalh) đã cùng nhau ký Biên bản Kỳ họp kết thúc tốt đẹp Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ả-rập Xê-út.

Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ả-rập Xê-út đã được tổ chức trong không khí hợp tác, xây dựng và hiểu biết lẫn nhau, kết thúc Kỳ họp, hai Bên nhất trí Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp sẽ được tổ chức vào năm 2023 tại Ả-rập Xê-út./.