Ngay từ đầu tháng 4/2021, Cục Xúc tiến thương mại đã làm việc và hỗ trợ các sàn thương mại điện tử kết nối với các đơn vị sản xuất tại Hải Dương, liên kết với những doanh nghiệp thu mua với cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động quản lý chất lượng.

Lazada là đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng thương mại điện tử. Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, ông James Dong – Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: “Tại Lazada, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà bán hàng địa phương kinh doanh hiệu quả trên thương mại điện tử. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi được hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại để cùng quảng bá và bán đặc sản vải Thanh Hà của tỉnh Hải Dương trên Lazada.

Lazada dự kiến sẽ phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này. Sau vải Thanh Hà, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại, cùng các đối tác và địa phương khác để đưa thêm nhiều đặc sản Việt Nam lên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và mở thêm một kênh kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt”.

Kể từ 0h00 ngày 14/5/2021, vải thiều Thanh Hà sẽ được mở bán trong “Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại” trên nền tảng Lazada với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng hấp dẫn. Bên cạnh đó, Lazada cũng sẽ triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm tới hàng triệu người tiêu dùng.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ) là đơn vị đồng hành của chương trình. Rồng Đỏ vừa là đơn vị đầu mối thu mua, vừa trực tiếp hỗ trợ hậu cần vận chuyển, kho lạnh, đóng gói đảm bảo quy cách để đưa sản phẩm tươi đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất.

“Đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử là một nỗ lực lớn của các bên. Trên thực tế, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần (kho bãi) đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên thương mại điện tử. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại chia sẻ.

Việc đưa sản phẩm nông sản tươi và các sản phẩm nông sản có tiềm năng của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử là phương thức bán hàng hỗ trợ đầu ra là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh. Sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm tươi nói riêng có th Cục Xúc tiến thương mại thảo luận với các đối tác thương mại điện tử vượt qua những thách thức đối với sản phẩm tươi như kho vận, vận chuyển, quản lý chất lượng nhằm triển khai hiệu quả hình thức bán hàng này.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các hợp tác xã, Cục Xúc tiến thương mại đã mở các gian hàng trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị lên sàn thương mại điện tử thành công thông qua gian hàng chung này. Đặc biệt, từ những thành công trên gian hàng chung, các hoạt động hướng dẫn, đào tạo sẽ được triển khai đồng bộ, từng bước hướng dẫn DN và hợp tác xã tự vận hành gian hàng của mình hiệu quả.

Cục Xúc tiến thương mại đã phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, chống hàng giả hàng nhái và kém chất lượng. Truy xuất nguồn gốc hỗ trợ người tiêu dùng có đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến…

Với sản phẩm vải thiều Thanh Hà và một số sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương, các cán bộ của Cục Xúc tiến thương mại đã tập huấn, hướng dẫn thực địa và trực tiếp hỗ trợ các đơn vị sản xuất của Hải dương nhập dữ liệu từ nhiều tháng nay. Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản của Hải Dương cũng đã dược triển khai cho các nông sản khác nhu bắp cải, su hào, cà rốt trong thời gian hỗ trợ Hải Dương trong thời gian cách ly do dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm vụ thu đông vừa qua.

Trong nỗ lực đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà và một số sản phẩm tiêu biểu khác của Hải Dương lên sàn thương mại điện tử, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ toàn bộ các khâu tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn nhập liệu và tem nhãn cho sản phẩm./.

Hiện nay, vải thiều và một số loại nông sản của tỉnh Hải Dương sắp bước vào vụ thu hoạch. Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186 ha, đặc biệt, cơ bản các diện tích vải Thanh Hà và Chí Linh đã sản xuất theo hướng VietGAP. Trong đó, 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Đáng lưu ý, có 520 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 50 ha được cấp chứng nhận.

Riêng huyện Thanh Hà - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Hải Dương, năm 2021 có 3.328 ha vải, trong đó có khoảng 1.600 ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Tổng sản lượng vải quả toàn tỉnh ước đạt 50-55.000 tấn (trong đó, vải sớm khoảng 30-35.000 tấn; 20-25.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Huyện đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore…/.