Hiện nay, các loại tôn giả đem nhái nhãn mác các thương hiệu trong nước “móc túi” người tiêu dùng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc giải “bài toán” này lại gặp khá nhiều khó khăn do thiếu thông tin cũng như thiếu sự hợp tác của chính các doanh nghiệp.

Tôn giả, tôn nhái hoành hành: doanh nghiệp tôn Việt thiệt lớn

Phát biểu tại Hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép tại Việt Nam: Nhận diện và quản lý” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Thép phối hợp tổ chức ngày 26/11, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Theo thống kê của VSA, hiện nay nước ta có 15 công ty lớn là thành viên của VSA và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ, tôn phủ màu với năng lực sản xuất trên 4 triệu tấn/năm, được đánh giá là số 1 trong các nước ASEAN cả về số lượng và chất lượng các cơ sở.

Tuy nhiên, đầu ra cho tiêu thụ lại đang gặp phải không ít khó khăn do vấn nạn hàng giả, hàng nhái trà trộn chiếm lĩnh thị trường, đây chính là “rào cản” khắc nghiệt, khiến cho 10 tháng đầu năm 2014, ngành tôn thép Việt Nam mới phát huy được khoảng 60% năng lực, trong đó đã phải đẩy mạnh xuất khẩu được 664.000 tấn và mới tiêu thụ hết số hàng sản xuất trong nước.

Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước nhập khẩu 9,43 triệu tấn sắt thép các loại, kim ngạch nhập khẩu khoảng 6,26 tỷ USD. Các sản phẩm sắt thép nhập khẩu chủ yếu từ các nước, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Đức. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất là 4,8 triệu tấn.

Riêng về tôn mạ nhập khẩu năm 2013 khoảng 600.000 tấn, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc và dự kiến năm 2014 sẽ nhập khoảng 700.000 tấn. Hiện nay, cả nước có 146 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng tôn các loại về Việt Nam. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khoảng 3.500 tỷ đồng, với khối lượng khoảng 530.00 tấn.
Mặt hàng này được nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Đức, Đài Loan, Nhật bản và Hàn Quốc, trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc về Việt Nam chiếm đến gần 80%. Các mặt hàng tôn thép được nhập khẩu chủ yếu bằng đường bộ và đường biển (qua cảng Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh). Mặc dù thị trường tôn thép được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây, nhưng sản phẩm này rất dễ bị làm giả và bản thân người sử dụng khó có thể nhận biết được.

Những sản phẩm tôn màu rất bắt mắt, nếu nhìn bằng mắt thường khó có thể xác định được chất lượng cũng như độ dày của sản phẩm thật, giả. Việc này đòi hỏi phải có các thiết bị chuyên dụng và trình độ chuyên môn cao.

Đại diện nhà sản xuất tôn lớn nhất Việt Nam, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết: Theo ước tính, mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị móc túi 4.000-6.000 đồng. Với một ước tính thận trọng, khoảng 20% thị phần trên thị trường tôn thép năm 2014 là hàng giả, hàng nhái tương đương 346.000 tấn, tính ra mét là gần 99 triệu mét tôn, nên số tiền bị thiệt hại ít nhất là 394 tỷ đồng. Con số không nhỏ này cho thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng cuối cùng.

Nếu tính trong 10 tháng đầu năm 2014, Tập đoàn Hoa Sen đã bị giảm 2,6% thị phần do tôn giả, tôn nhái. Việc giảm thị phần này tương đương với việc Hoa Sen bị mất sản lượng gần 45.000 tấn trong năm 2014 và lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng.

Nỗ lực lớn nhưng vẫn khó xử lý

Chia sẻ những khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất tôn thép chân chính, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trước thực trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, Chính phủ và đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường vào cuộc quyết liệt.

Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra tịch thu khoảng 10.000 tấn các loại tôn, thép. Theo số liệu thống kê, riêng TP. Hà Nội bắt khoảng gần 200 tấn tôn nhập khẩu nhái nhãn nổi tiếng và đang tiến hành điều tra làm rõ thêm. Tại Vĩnh Phúc, quản lý thị trường đã trực tiếp kiểm tra và xử lý 16 vụ, đồng thời đang trong quá trình điều tra để làm rõ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng tôn thép giả đang diễn biến hết sức phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi. Theo ông Nguyễn Trọng Tín, hiện nay, tình trạng tôn, thép bị làm giả, làm nhái tương đối phổ biến nhưng kết quả thanh tra, xử lý chưa tương xứng với thực tế diễn ra. Vì đa phần hàng giả, hàng nhái không bày bán tại các cửa hàng mà được cất giấu ở những kho riêng nên việc kiểm tra, xử lý chỉ phát hiện được sự gian lận về giá cả, niêm yết giá.

Cùng quan điểm với Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, tôn tấm lợp không phải là mặt hàng mua thường xuyên, nên không có kinh nghiệm và không thể phát hiện độ dày bằng mắt thường.

Tùy theo yêu cầu của đại lý, người sản xuất sẵn sàng đổi trắng thay đen để biến những cuộn tôn nhập khẩu không tên tuổi “lên đời” thành bất cứ nhãn hiệu tôn có tên tuổi nào; “đôn dem” (thuật ngữ trong giới kinh doanh loại tôn này) để tôn dày 0,28 mm, trở thành tôn dày 0,35 mm ghi trên nhãn để bán ra, ăn chênh lệch.

“Bằng những thủ đoạn này, họ chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng từ việc tôn tấm mỏng, nhưng vẫn tính giá tôn tấm có độ dày hơn. Ngoài ra với cùng độ dài cuộn tôn, thay vì cán đúng độ dày ghi trên nhãn, họ cán mỏng hơn, tôn thành phẩm sẽ nhiều hơn để thu lợi bất chính một lần nữa. Đây là vấn đề lớn mà báo chí đã phanh phui”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo ông Hùng, bản thân nhiều doanh nghiệp chưa vào cuộc để chống hàng giả. Lý do là họ sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của mình nên không dám lên tiếng và phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn.

Để lấy lại niềm tin với người tiêu dùng

Để ngăn chặn xử lý các vi phạm gian lận thương mại đối với chất lượng thép xây dựng, ông Nguyễn Trọng Tín cho biết, ngay trong quý IV/2014, Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đang xây dựng “Phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng sắt thép xây dựng”.

Theo đó, từ nay đến cuối năm 2015, lực lượng chức năng sẽ tiến hành đợt tổng kiểm tra để rút kinh nghiệm. Thông qua kiểm tra để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc kinh doanh mặt hàng sắt thép. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường đã, đang và sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường toàn quốc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh tôn, thép xây dựng.

“Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn, thép xây dựng với các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ quan chức năng dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp, tiêu chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp áp dụng, quy cách kỹ thuật của sản phẩm. Các dấu hiệu này tạo điều kiện thuận lợi cho Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, xử lý và phát hiện vi phạm”, ông Tín chỉ rõ.

Ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu cho rằng, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam phải ghi đầy đủ các yếu tố bắt buộc, như: xuất xứ, nhãn hiệu để đảm bảo kiểm soát có hiệu quả nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định bộ tiêu chuẩn về chất lượng thép nhập khẩu đảm bảo sát với yêu cầu thực tế, tránh làm kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dung để gian lận. Đưa mặt hàng tôn thép vào danh mục hàng hóa trọng điểm phải kiểm soát về giá và chất lượng, giả mạo về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt kiểm soát về sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng này khi giả mạo các nhãn hiệu tôn của các công ty ở Việt Nam.

Đứng ở góc độ chuyên gia, TS. Lê Đăng Doanh hiến kế, việc gian lận thương mại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Để giải quyết triệt nạn hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng, cơ quan quản lý, nhà sản xuất cần liên kết chặt chẽ trong việc kiểm tra, khi phát hiện sai phạm cần có chế tài xử lý mạnh tay. Nếu làm tốt việc đó mới giúp doanh nghiệp làm ăn chân chính cạnh tranh được khi bước vào hội nhập sâu rộng./.