Từ 1/1/2015: tạm dừng nhập 38 loại quả từ Úc

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước động thái tạm dừng nhập khẩu toàn bộ 38 loại hoa quả Úc từ ngày 1/1/2015 vì dịch ruồi đục quả đang bùng phát tại quốc gia này.

38 loại trái cây Úc bị tạm dừng nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có cherry

Trong khi đó, ruồi đục quả là đối tượng kiểm dịch của Việt Nam. "Dịch ruồi đục quả không gây hại nhiều tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng có nguy cơ lây lan thành dịch và nằm trong đối tượng buộc phải kiểm dịch khi nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, biện pháp dừng nhập khẩu hoa quả sẽ là biện pháp cấp thiết để phòng, chống dịch bệnh lây lan", ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cũng cho biết, lệnh tạm dừng nhập khẩu hoa quả sẽ kéo dài cho đến khi nào phía Australia công bố không còn dịch bệnh và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật của Việt Nam thì sẽ mở cửa thông thương trở lại. Hiện các loại hoa quả Úc được nhập khẩu phổ biến vào Việt Nam gồm: táo, cherry, cam, nho. Được biết, trong 10 tháng năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu các loại táo, cam, lê, nho, cherry… từ Úc hơn 2.000 tấn.

Hoa quả độc Trung Quốc bao giờ bị cấm?

Việc kiểm soát chặt chất lượng rau củ, trái cây... là mong mỏi của người tiêu dùng Việt Nam từ lâu, song đến nay khâu này vẫn được cho là có nhiều kẽ hở. Những người tiêu dùng đang phải trở thành những "nhà thông thái" bởi nếu không sẽ bỏ tiền mua chính thức ăn đầu độc cho mình.

Đặc biệt, tình trạng hoa quả độc, nhiễm hóa chất của Trung Quốc đã được báo chí và dư luận phản ánh bấy lâu vẫn ngang nhiên tràn vào Việt Nam. Điều đáng nói, cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái gì và việc kiểm soát dường như đang 'bó tay'.

Trước băn khoăn Cục phản ứng rất nhanh khi tạm dừng nhập hoa quả Úc để chặn dịch ruồi đục quả nhưng lại buông lỏng hoa quả Trung Quốc, để hoa quả nhiễm độc tràn lan trên thị trường Việt Nam, trả lời báo giới, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, nói như vậy không có cơ sở.

Theo đó, “tất cả các loại trái cây khi vào Việt Nam không chỉ được làm chặt việc kiểm dịch thực vật mà vấn đề an toàn thực phẩm cũng được kiểm tra, kiểm soát sao cho đảm bảo đúng quy định của Việt Nam về an toàn thực phẩm mới được đưa vào lãnh thổ đất nước”, ông Hồng nói.

Liên quan đến vụ việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Cục Bảo vệ Thực vật làm rõ thông tin quả lê để 5 tháng, táo để 9 tháng không hỏng và công khai kết quả tới người dân, Cục trưởng Hồng cho biết, hiện nay Cục vẫn kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam.

"Còn trường hợp có một loại quả nào như thế và thông tin ấy có chính xác hay không thì Cục phải làm việc với phía Trung Quốc và các nước xuất khẩu sang Việt Nam để kiểm soát quá trình sản xuất của họ, yêu cầu báo cáo và Cục triển khai các thử nghiệm xem có phải quả nào cũng để lâu được như thế hay không. Bởi không ai kiểm chứng được quả để lâu như vậy có đúng không hay không, tỷ lệ phần trăm của nó là bao nhiêu", ông nói./.