Đó là nhận định của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội tại Hội thảo “Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử” do Hội Siêu thị TP. Hà Nội phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23/12.

Sự phát triển mạnh mẽ

Theo ông Vũ Vinh Phú, sự xuất hiện của kênh thương mại văn minh cách đây 20 năm bao gồm các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thủ đô đã đem lại một bộ mặt mới cho thương mại bán lẻ, thời kỳ Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Đến nay trên địa bàn TP. Hà Nội đã có 70 siêu thị, 15 trung tâm thương mại, song song với đó là khoảng 400 chợ truyền thống vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, ngoài phương thức bán hàng trực tiếp còn phát sinh thêm các phương thức bán hàng mới như: bán hàng qua điện thoại, qua truyền hình, bán hàng qua mạng…

“Sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử… đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử ngày càng tăng cao. Thương mại điện tử đã góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội ngày càng văn minh, tiên tiến hơn”.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng thư ký hội truyền thông số Việt Nam cho rằng, nền kinh tế internet đang phát triển rất lớn. Công nghệ đã làm thay đổi cách thức vận hành ngành là rất lớn như thể hiện qua khối ngành thông tin ở các báo điện tử, ngành giải trí trực tuyến... Trào lưu của báo điện tử đã làm thay đổi nền công nghệ internet tạo thành trào lưu tin tức ở internet và nhóm độc giả có khoảng 30-40 triệu người /ngày đọc với chi phí bằng 0.

Với ngành giải trí trực tuyến có thể thấy ở Việt Nam với 90 triệu dân số có khoảng 15 triệu máy tính được bán ra, 60 triệu là những người trẻ, 20 triệu thuê bao 3G, trên 30 triệu khách hàng internet vào interet thường xuyên. Có 18 triệu khách hàng chơi game, có nhiều khách hàng chơi game quốc tế. Việt Nam khác thế giới ở chỗ trên thế giới ngành giải trí đã lớn hơn ngành âm nhạc và điện ảnh cộng lại.

Ông Thanh cho biết, năm 2013 là năm bản lề nhất của ngành E – Commerce, điển hình, như: alibaba.vn, amazon, lazada, muachung.vn, vật giá... Các trang điện tử này đã thay đổi cách thức mua sắm của người dân và được biết tới nhiều hơn cả những siêu thị truyền thống. Tất cả làm sao mang lại sự trải nghiệm tốt nhất cho ngành bán lẻ.

Liên quan hành vi của khách mua hàng qua mạng ở Việt Nam, ông Thanh cho biết, về sản phẩm, tổng doanh số trên mạng khoảng 40% tìm hiểu, mua sắm về thời trang, 60% còn lại tìm hiểu, mua sắm điện thoại di động, thiết bị nhà bếp, thực phẩm khô… Khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng, có tuổi đời từ 22-40, tập trung nhiều tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mức độ trung thành của khách hàng thấp, họ có thể mua sắm tại trang này, nhưng cũng dễ dàng chuyển sang các trang E-Commerce khác.

Về hình thức thanh toán, thanh toán sau khi nhận hàng chiếm 90% tổng doanh thu. Thanh toán qua Internetbanking/thẻ tín dụng/thẻ ATM chiếm 15%. Phương pháp giao hàng phổ biến nhất hiện nay vẫn bằng phương tiện xe máy.

“Ngành bán lẻ của Việt Nam khác với nước khác, đó là người Việt Nam thích click trên mạng nhất trên thế giới, thời gian online Việt Nam xếp thứ 1 trên thế giới; tính tín dụng của người Việt Nam thấp nhất thế giới và người Việt Nam với tâm trạng mua hàng giá rẻ, trên thế giới là mua hàng tiện lợi hơn. Vì thế, rất cần sự chung tay để làm sao thay đổi tâm lý của người mua hàng, dần để làm sao tâm lý người mua hàng tốt hơn”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, chưa có nhiều các công ty thương mại đi bán hàng mà chỉ thuần túy là các công ty công nghệ, kênh bán lẻ được mở như công cụ thêm của mình. Và có 5 yếu tố xác định mô hình kinh doanh của loại hình kinh doanh thương mại điện tử này: ngành hàng, chính sách về giá, thỏa mãn về mặt dịch vụ, thuận tiện, trải nghiệm trên web.
Thị trường có, nhu cầu có, nhưng đầu tư chưa bài bản
Theo khảo sát của disieuthi.vn, vấn đề khó khăn khách hàng gặp phải khi đi mua sắm là tốn thời gian, thứ hai là khó tìm nguồn hàng, thứ ba là giá cả cao hơn ở chợ. Còn đối với các nhà cung ứng bán lẻ: Thị trường bán lẻ trực tuyến đang còn bỏ ngỏ, thiếu kinh nghiệm trong thương mại điện tử, và niềm tin của người tiêu dùng chưa có nhiều.

Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê và Nielsen, thị trường bán lẻ là thị trường phát triển nhất trong những năm gần đây đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cao nhất trong khu vực (23%). Tổng doanh thu hàng tiêu dùng (bán lẻ) Hà Nội đạt trên 23.000 tỷ đồng/tháng. Trong đó doanh thu các siêu thị offline Hà Nội đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/tháng.
Xu hướng mua hàng online lĩnh vực tiêu dùng nhanh ở các nước giàu có, hiện đại đã rất phát triển. Tại Việt Nam, thị trường có, nhu cầu có, nhưng hiện tại chưa công ty nào đầu tư bài bản.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Kỳ Minh, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Google, 29% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng lý do họ mua hàng trên mạng chủ yếu thông qua giới thiệu của bạn bè. Người tiêu dùng Việt Nam là một trong những nhóm rất nhạy cảm về giá cả. “Yếu tố quan trọng nhất là tính trải nghiệm khi họ mua hàng rẻ hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Muốn kinh doanh thành công thì việc trải nghiệm của người tiêu dùng là quan trọng nhất”, ông Minh cho biết.
Cần sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước

Tuy nhiên, ông Phú cũng chỉ rõ, phương thức kinh doanh này cũng có những mặt trái cần uốn nắn lại, đó là mua bán hàng hóa mang tính chất thu lợi nhuận đơn thuần, lừa lọc khách hàng về mẫu mã, giá cả, chất lượng làm thiệt hại người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín đối với các doanh nghiệp bán hàng qua mạng chân chính.

Cũng theo ông Phú, sự phát triển của thương mại điện tử là một điều tất yếu không có gì ngăn cản được trước mắt cũng như trong tương lai.

Việt Nam là một nước đi sau, song ông Phú cho rằng, thương mại điện tử chắc chắn sẽ tốt đẹp lành mạnh hơn để phục vụ cho xã hội tiêu dùng.

Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan làm được những gì để hạn chế những mặt trái của sự phát triển và các doanh nghiệp thương mại điện tử muốn phát triển bền vững có thương hiệu cần phải làm gì để phát triển nhanh và vững chắc doanh nghiệp của mình.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội, ông Phú khẳng định: "Hội Siêu thị luôn luôn làm những việc kết nối và sự kiện hôm nay chính là một kết nối hết sức cần thiết vì sự nghiệp phát triển thương mại văn minh ở Thủ đô và vì quyền lợi tiêu dùng của toàn xã hội tiêu dùng".

Bên cạnh đó, sàn giao dịch điện tử disieuthi.vn mới được đi vào hoạt động cũng sẽ góp phần kết nối các nhà cung ứng và các siêu thị, đem lại sức sống mới cho thương mại điện tử ở địa bàn thủ đô.

“Quan điểm của Hội Siêu thị là: Hãy bắt tay với nhau để làm đi, rồi sẽ biết như thế nào. Hãy đập quả trứng ra xem nó sẽ như thế nào, Hội Siêu thị tin rằng nếu các bên hợp tác làm ăn trung thực, trách nhiệm, bình đẳng vì quyền lợi người tiêu dùng chắc chắn có hiệu quả và sẽ thành công. Thời gian không chờ đợi tất cả chúng ta”, ông Phú nói.

Còn theo ông Nguyễn Kỳ Minh, thực trạng Việt Nam hiện nay chưa quan tâm đến mô hình bán lẻ trên mạng internet. Trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm đến mô hình bán lẻ online bởi xu hướng này sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Từ việc đi tìm kiếm sau đó khách hàng sẽ chuyển dần sang mô hình giao dịch.
“Trên thế giới người ta không nhấn mạnh vào yếu tố liệt kế, số lượng đầu sản phẩm mà nhấn mạnh vào việc đọc được nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Để đạt được thành công, Disieuthi.vn nên tham khảo mô hình của Hoa Kỳ để làm tốt hơn nữa mô hình bán lẻ của mình”, ông Minh khẳng định./.