2014: Xuất khẩu rau quả đạt gần 1,5 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt cột mốc gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với năm 2013.

Từ đầu năm đến hết tháng 11/2014, số lượng trái cây xuất khẩu qua kiểm dịch thực vật đạt 1,5 triệu tấn, trong đó, thanh long quả tươi hơn 700.000 tấn, thanh long đông lạnh đạt 200.000 tấn, dưa hấu gần 3.000 tấn, nhãn hơn 150.000 tấn, vải hơn 70.000 tấn...

Số liệu thống kê cũng cho thấy, các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường châu Á khi chiếm 7/10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phát triển thị trường xuất khẩu rau, hoa quả, tổ chức ngày 30/12/2014, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, do châu Á là thị trường gần Việt Nam nên việc vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, những thị trường, như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hiện đã mở cửa lại cho rau quả Việt Nam nên doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị phần, tăng giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, những năm trước, doanh nghiệp chủ yếu tập trung xuất rau quả chưa chế biến nhưng nay đã có thêm một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền để làm ra những sản phẩm đóng hộp, đông lạnh phục vụ xuất khẩu.

Rau quả chế biến sâu không chỉ tăng giá trị mà còn đem lại lợi thế cạnh tranh, giúp sản phẩm dễ dàng hơn trong việc vượt qua những rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. Lý do bởi những sản phẩm ở dạng đóng hộp, đông lạnh thường không bị kiểm tra chặt về vệ sinh thực phẩm như sản phẩm ở dạng tươi.

“Mấy năm qua, rau quả tươi xuất sang EU, như: ớt, rau húng, quế, thanh long… thường xuyên bị cảnh báo về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, có thời điểm EU đưa ra cảnh báo sẽ cấm toàn bộ các mặt hàng rau quả của Việt Nam nếu phát hiện đủ 5 lô hàng không đảm bảo”, đại diện Vinafruit cho hay.

Điều này khiến lợi thế của một nước nhiệt đới có nhiều loại rau quả rất được các thị trường có khí hậu ôn đới như Bắc Á, châu Âu hay Bắc Mỹ ưa thích ở một khía cạnh nào đó đã không thể phát huy lợi thế.

Nhiều triển vọng trong năm 2015

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dư địa thị trường xuất khẩu các mặt hàng rau quả vẫn còn rất lớn.

Năm 2014, Việt Nam đã đàm phán thành công để xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng rau, quả sang nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính - thị trường có giá trị xuất khẩu cao, như: Mỹ, Newzealand, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cũng tại Hội thảo Ban chỉ đạo Phát triển thị trường xuất khẩu rau, hoa quả nói trên, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong thời gian tới, bên cạnh việc nỗ lực tiếp tục mở cửa các thị trường, cần chú ý duy trì thật tốt các thị trường truyền thống như Trung Quốc, các thị trường đã mở được cửa.
“Tuy nhiên, trước cơ hội đó, chúng ta phải nhận ra mặt yếu là tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản để khắc kịp thời. Nếu làm tốt khâu này, giá trị gia tăng của các sản phẩm rau, quả sẽ là rất lớn", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Đồng thời, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng chỉ đạo Viện Cây ăn quả miền Bắc phối hợp với các đơn vị xây dựng quy trình sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi với một vài cây ăn quả cụ thể như chuối, cây có múi để từ đó nhân rộng.

Để kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường xuất khẩu trước hết phải “chuẩn” từ khâu tổ chức sản xuất, do đó cần phải có giải pháp thâm canh khoa học, đây cũng là thách thức đối với lĩnh vực trồng trọt.
Năm 2014, Việt Nam đã mở đầu xuất khẩu nhiều sản phẩm như nhãn, vải sang các thị trường khó tính và đã được các thị trường này đánh giá cao. Các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật thông thường đã cơ bản được mở cửa như Trung Quốc, các nước ASEAN, Canada, các nước EU, các nước khu vực Trung Đông, các nước Đông Âu.

Đối với các thị trường tiềm năng, Cục Bảo vệ thực vật đang xúc tiến tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật cho một số loại rau, quả. Theo ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, năm 2015, Cục tiếp tục hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp về xuất khẩu vải, nhãn xuất khẩu sang Mỹ; xoài sang Nhật; thanh long, vải, xoài sang Newzealand… Bên cạnh đó, Cục sẽ hoàn tất sáu bộ hồ sơ kỹ thuật đối với các loại quả tươi như thanh long, vải, nhãn, xoài, chôm chôm và vú sữa để gửi các nước đề nghị mở cửa thị trường, trong đó chú trọng các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand và các nước khu vực Mỹ Latinh.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, các nước nhập khẩu có hàng rào kỹ thuật rất khắt khe, do vậy thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh vào khâu chế biến, vì khi đã chế biến hàng rào kiểm dịch sẽ không còn. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí kiểm dịch, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tuy nhiên, muốn có được những hợp đồng xuất khẩu rau quả dạng đông lạnh hoặc chế biến đóng hộp, cách thứ nhất là doanh nghiệp tự tìm kiếm thị trường, cách còn lại là làm theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu. Với cách làm này, doanh nghiệp tiết kiệm được những chi phí về tìm hiểu thị trường, tiếp thị sản phẩm nhưng phải có khả năng nghiên cứu sản phẩm mới, đầu tư dây chuyền chế biến./.