Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, năm 2014, Việt Nam nhập khẩu dược phẩm từ 30 thị trường trên thế giới. Trong đó, dược phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm thị phần lớn nhất với 13,1% tổng kim ngạch, đạt 267 triệu USD, tăng 7,75% so với năm 2013.

Đứng thứ hai là Pháp, chiếm 11,7%, với kim ngạch 239,4 triệu USD, nhưng so với năm 2013, tốc độ nhập khẩu hàng dược phẩm từ thị trường này lại giảm nhẹ, giảm 4,57%. Kế đến là thị trường Đức, đạt 189,1 triệu USD, tăng 28,27%; Hàn Quốc đạt 161,5 triệu USD, tăng 1,37%...

Năm 2014, nhập khẩu dược phẩm từ các thị trường có kim ngạch trên 100 triệu USD chiếm 20%. Nhìn chung, năm 2014, nhập khẩu dược phẩm từ các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng dương, số thị trường này chiếm tới 70%.

Đáng chú ý, nhập khẩu dược phẩm từ thị trường Ba Lan có tốc độ tăng trưởng mạnh vượt trội, tăng 84,25%, tuy kim ngạch chỉ đạt 28,9 triệu USD. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2014 có tới 656 mặt hàng thuốc tăng giá. Trong đó, số mặt hàng thuốc nhập khẩu kê khai lại giá (tăng giá) là 84 mặt hàng và số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước kê khai lại giá (tăng giá) là 572 mặt hàng.

Về giá thuốc nhập khẩu, nhìn chung số lượng các mặt hàng có giá thay đổi không nhiều. Giá nhập khẩu một số nguyên phụ liệu sản xuất thuốc có biến động tăng, giảm, tập trung vào thị trường Trung Quốc. Giá thuốc trên thị trường ổn định do nguồn cung thuốc dồi dào và việc giám sát chặt chẽ kê khai/kê khai lại giá thuốc của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như áp lực canh tranh trên thị trường dược phẩm.

Dự báo quý I/2015, giá thuốc nhập khẩu và thuốc sản xuất trong nước tiếp tục ổn định./.