Tại văn bản thông báo Kết luận của Thủ tướng tại phiên họp của các Bộ, cơ quan thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô về vấn đề giá điện, giá dầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới, tính toán kỹ các tình huống tác động của giá dầu và giá điện đến tăng trưởng kinh tế, kịp thời có các giải pháp điều hành phù hợp nhằm bảo đảm điều hành vĩ mô theo đúng những mục tiêu đã đề ra.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nắm chắc diễn biến tình hình giá xăng, dầu thế giới để kịp thời xây dựng các phương án và thực hiện các giải pháp phù hợp bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Trước mắt, điều hành ngân sách nhà nước theo phương án giá dầu thấp nhất do Tổ công tác đưa ra (40 USD/thùng).

Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai ngay việc tăng cường rà soát, kiểm tra và có giải pháp mạnh để chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa giảm giá cước vận tải ở mức hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và vì lợi ích chung của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, cân nhắc thận trọng trong điều hành giá bảo đảm giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp trong tương quan với giá xăng dầu ở các nước trong khu vực để ngăn ngừa, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ chống buôn lậu xăng dầu. Trong điều hành cần có phương án chủ động ứng phó với các tình huống tăng, giảm bất thường của giá xăng dầu thế giới.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo việc rà soát các mỏ để có phương án tối ưu và chủ động kế hoạch khai thác, cắt giảm tối đa các chi phí, các nhiệm vụ chưa cấp bách nhằm bảo đảm hoạt động khai thác dầu thô có hiệu quả, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích chung của đất nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình giá cả thị trường để hoàn thiện các phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, nhất là phải giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và tạo thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian trong tiếp cận điện năng của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm đạt kết quả cụ thể và được công khai rộng rãi ngay trong năm 2015.

Trước đó, tại phiên họp ngày 22/1/2015, Tổ công liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô đưa ra 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 dựa trên những đánh giá phân tích của các tổ chức kinh tế thế giới cũng như các chuyên gia kinh tế, ở các ngưỡng: khoảng 60 USD/1 thùng; khoảng 50 USD/1 thùng và khoảng 40 USD/1 thùng. Đây là các mức giá xem xét tính toán các phương án, vì hiện nay giá dầu thô của Việt Nam xuất khẩu do chất lượng tốt hơn nên thường xuyên cao so với bình quân giá thế giới khoảng 5 USD/ 1 thùng.

Xem xét giá dầu giảm tác động ở các lĩnh vực, đầu tiên là tác động trực tiếp đến khai thác, xuất khẩu dầu mỏ, cụ thể:

Nếu 60 USD/1 thùng thì sản xuất, xuất khẩu giảm nhưng không đáng kể, sẽ chỉ phải xem xét tiết giảm sản lượng tại các lô có giá sản xuất cao.

Nếu 50 USD/1 thùng thì sẽ giảm khai thác nhiều hơn.

Nếu ở mức 40 USD/1 thùng thì sẽ giảm 1,8 đến 2 triệu tấn dầu khai thác.

Kế hoạch năm nay của Bộ Công Thương phải sản xuất và xuất khẩu 14,74 triệu tấn trong năm nay.

Nếu giá dầu bình quân 50-60 USD/ 1 thùng thì không gây nhiều xáo trộn đến sản xuất và tiêu thụ dầu của Việt Nam. Mặc dù ảnh hưởng lĩnh vực khác nhưng không tác động nhiều lắm về mặt sản xuất.

Còn nếu giá xuống 40 USD/1 thùng sẽ có nhiều ảnh hưởng xáo trộn. Đồng thời, ảnh hưởng cả đến những dự án mới đang dự kiến đầu tư.

Xem xét tác động đến tăng trưởng kinh tế, nếu giá dầu thô là 60 USD/ 1 thùng, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,21điểm phần trăm so với dự kiến.

Còn nếu giá 50 USD/1 thùng thì giảm khai thác còn ở mức độ 14,4 triệu tấn, giảm tăng trưởng có khoảng 0,56 điểm phần trăm.

Nếu giá dầu thô giảm mạnh còn 40 USD/1 thùng, thì chỉ khai thác xuất khẩu khoảng 13,08 triệu tấn, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đến 1 điểm phần trăm. Khi đó tăng trưởng năm 2015 dự kiến là 6,2 % thì sẽ giảm chỉ còn 5,2%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Việt Nam không chỉ xuất khẩu dầu mỏ mà còn nhập khẩu xăng dầu thành phẩm với số lượng lớn hơn so với xuất khẩu. Chính vì vậy, tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở hai chiều. Khi giá dầu thô giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo. Và hai yếu tố quan trọng là giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa giảm và giá vận tải giảm.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh giảm giá cước vận tải tương ứng và phải giảm trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. Tuy nhiên, hiện nay giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và chỉ cao hơn Singapo và Malaixia, là hai nước có trợ giá về xăng dầu. Nếu giá xăng dầu giảm tiếp thì có thể lợi cho sản xuất tiêu dùng nhưng lại làm gia tăng buôn lậu xăng dầu.

Chính vì vậy, Tổ công tác kiến nghị cần phải cân nhắc, so sánh giá bán lẻ trong nước với các nước trong khu vực để quản lý tốt, không để xảy ra tình trạng tuồn xăng dầu lậu sang các nước bạn.

Về giá điện, hiện giá điện Việt Nam cũng đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực, vì vậy Tổ công tác đề nghị việc điều chỉnh giá điện theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, giá thành điện cũng cần tính toán lại một cách chính xác và đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tổ công tác cũng khẳng định từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi chưa bàn đến tăng giá. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định vào sau Tết./.