Lợi ích lớn

Theo Bộ Công Thương, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nếu được áp dụng sẽ cho phép thương nhân được quyền tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc bất kỳ chứng từ nào khác thay cho C/O hiện hành.

Nhờ đó sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa các nước. Với cơ chế này, DN không phải tự đi xuất xứ cho từng lô hàng xuất khẩu, mà có thể sử dụng quyền tự chứng nhận xuất xứ để chủ động áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong một thời gian nhất định.

Tại Hội thảo “Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ - kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nếu ở cơ chế hiện tại, đối tượng cấp C/O là hàng hóa thì ở cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối tượng cấp C/O là DN.

Do vậy, một trong những tiêu chí hàng đầu để trở thành nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ là DN phải nắm rất vững kiến thức về C/O.

So sánh giữa cơ chế cấp C/O hiện tại với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, bà Thùy cho biết, đối với cơ chế cấp C/O hiện tại, DN sẽ xin C/O cho từng chuyến hàng. Đối tượng cấp C/O là hàng hóa và sẽ cần có một thời gian nhất định để tổ chức cấp C/O thực hiện cấp C/O, gian lận qua C/O không nhiều và chế tài xử phạt chưa mang tính răn đe.

Đối cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, DN xin giấy phép trong một thời gian nhất định sẽ được tự chứng nhận xuất xứ. Đối tượng được cấp tự chứng nhận xuất xứ là các nhà xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. DN có thể chủ động về thời gian phát hành C/O. DN đủ điều kiện tự xác định xuất xứ cho chính hàng hóa của mình sẽ tự phát hành C/O cho hàng hóa của mình.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài về thương mại, xuất xứ là kỹ năng rất quan trọng của các DN thương mại. Nếu hiểu và làm chủ được vấn đề xuất xứ, các nhà sản xuất Việt Nam có thể tận dụng được các FTA hiện có và sắp ra đời. Đáng chú ý, việc tự chứng nhận xuất xứ này sẽ giúp cho DN thu hồi vốn đầu tư tốt.

Do vậy, nếu các DN không nỗ lực giải quyết các vấn đề về xuất xứ thì sẽ không tiếp cận được các chính sách ưu đãi và không thể mở rộng được hoạt động xuất khẩu .

Trong tương lai, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ là xu hướng tất yếu của thế giới. Do vậy, các DN cần hành động kịp thời để theo kịp xu hướng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế này có thể tạo điều kiện cho gian lận thương mại nếu chế tài chưa đủ mạnh và người áp dụng cơ chế chưa đủ kiến thức cũng như thông tin cần thiết liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Việc thực hiện cơ chế này sẽ là thách thức đối với nhiều DN, vì không phải DN nào cũng có đủ nguồn lực để áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Còn nhiều băn khoăn

Từ trước đến nay, các DN Việt Nam vẫn làm thủ tục chứng nhận C/O khá bị động. Tức là chỉ làm khi mà nhà nhập khẩu yêu cầu và cũng chưa hiểu được hết những ưu đãi, những tiềm năng lớn mà việc tự chứng nhận xuất xứ đem lại cho DN.

Vì vậy, sự chuyển đổi bao giờ cũng khó khăn. Các DN sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động bình thường kể cả khi họ đã nhận được chứng thực đủ năng lực để tự chứng nhận xuất xứ sản phẩm.

Thực tế, tự chứng nhận xuất xứ yêu cầu bản thân DN phải hiểu rõ và có những kiến thức đầy đủ về quy tắc chứng nhận xuất xứ của từng nước, tính toán như thế nào để cho sản phẩm của mình đáp ứng được các quy định, nguyên tắc của các nước nhập khẩu. Bởi mỗi sản phẩm khác nhau có những tiêu chuẩn khác nhau và mỗi nước khác nhau lại có những quy định về quy tắc xuất xứ khác nhau.

Các DN không chứng thực được khả năng tự khai và tự chứng nhận xuất xứ sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu. Trước hết là ở việc không nhận được những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây cũng là một vấn đề khiến cho các DN nhỏ và vừa trăn trở, bởi liệu hơn 900.000 DN nhỏ và vừa hiện có tại Việt Nam, với sức xuất khẩu không cao thì có được chứng thực khả năng tự chứng nhận xuất xứ hay không, hay sẽ chịu thiệt thòi khi vẫn phải thực hiện quy trình chứng nhận C/O như cũ.

Cần sự hỗ trợ tối đa từ phía cơ quan quản lý

Mới đây, đại diện Cục Giám sát quản lý Tổng cục Hải quan cũng đã giới thiệu cho các DN về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong quản lý hải quan. Theo đó, việc kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn chuyển tải trái phép hàng hóa. Khi có thông tin nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sẽ tiến hành kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa; kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nội dung có liên quan đến các xuất xứ trong các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và thực tế hàng hóa để xác định đúng xuất xứ hàng hóa và áp dụng chế độ ưu đãi theo quy định.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, nhằm hỗ trợ DN có thể áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện cho các DN. Đồng thời, sẽ chạy song song cả 2 cơ chế cấp C/O nếu DN không thể tự cấp C/O vẫn có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O cho mình.

Trước những lợi ích từ việc xuất xứ hàng hóa đem lại, tại Hội thảo nói trên, ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị, các DN cần bố trí nguồn nhân lực hợp lý để thực hiện tốt cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Chỉ khi thực hiện bài bản, đầy đủ thì DN mới được hưởng hết những lợi ích từ các FTA mang lại./.