Như vậy, CPI bình quân quý I/2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,74%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,36%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,16%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,18%).

Chỉ số giá các nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục hầu như không tăng.

Có 4 nhóm có chỉ số giá giảm, đó là đồ uống và thuốc lá (-0,11%), may mặc và mũ nón (-0,04%), giao thông (-0,31%) và bưu chính viễn thông (-0,02%).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3 tăng chủ yếu do chu kỳ tính CPI của tháng 3 còn ảnh hưởng bởi nhu cầu của Tết Nguyên đán nên giá mặt hàng thực phẩm tăng cao.

Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán thường có nhiều lễ hội, nên giá ăn uống ngoài gia đình và văn hóa, giải trí và du lịch tăng theo.

Giá gas thế giới tăng làm cho giá gas trong nước điều chỉnh tăng 5.000đ/bình 12kg từ ngày 1/3 càng góp phần vào mức tăng chung của CPI tháng 3.

Đáng chú ý, tuy giá xăng, dầu trong nước tăng vào ngày 11/3 (mỗi lít xăng tăng 1.610 đồng; dầu diesel tăng 710 đồng/lít), nhưng do vẫn còn chịu ảnh hưởng của các đợt giảm giá trước đó, nên bình quân giá xăng, dầu tháng 3 giảm 0,81% so với tháng trước. Chính vì thế, giá xăng dầu tăng chỉ góp phần tăng CPI chung của tháng 3 khoảng 0,04%.

Trả lời báo giới về đánh giá CPI cả quý I, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI quý I năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Mức tăng này của quý I sẽ góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra.

Tuy nhiên, yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, vì vậy các bộ, ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường./.