Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2015 tại phiên họp Ban chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô vào chiều tối ngày 30/3.

3 tháng đầu năm: Nhập siêu 1,8 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 12,7 tỷ USD, tăng 33,5% so với tháng trước.

Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 5,1% (cùng kỳ năm trước tăng 5%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,1 tỷ USD, tăng 12,9% và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn tỷ trọng 66,7% của cùng kỳ năm 2014.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 16,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 46% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 2,5 điểm phần trăm so với tỷ trọng cùng kỳ năm 2014), trong đó mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,7 tỷ USD, tăng 21,9%.

Về nhập khẩu, kim ngạch tháng 3 ước tính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 26,9% so với tháng trước.

Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 37,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 5,7% và chiếm 38,4% (thấp hơn mức tỷ trọng 42,2% của cùng kỳ năm trước); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,1% và chiếm 61,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (cao hơn mức tỷ trọng 57,8% của quý I/2014).

Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I đạt 38,5 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2014. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh: Ô tô đạt 1,1 tỷ USD, tăng 73,6% (ô tô nguyên chiếc tăng 154,7%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 6,9 tỷ USD, tăng 44,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD, tăng 31,1%...

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 34,4 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 91,7 % tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (giảm 0,2 điểm % so với tỷ trọng cùng kỳ năm 2014), trong đó máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 15 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 40% (tăng 1,2 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 19,4 tỷ USD, tăng 13,2%, chiếm 51,7% (giảm 1,4 điểm phần trăm so với tỷ trọng cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 3,1 tỷ USD, tăng 19,2%, chiếm 8,3% (tăng 0,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 3 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 11,6 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2014 với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao: Máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 54%; sắt thép tăng 97%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 52%; vải tăng 32%. Nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 8,1 tỷ USD, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung 3 tháng đầu năm nay, nhập siêu ước tính 1,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2 tỷ USD.

Cơ quan thống kê đánh giá, nếu sản xuất trong nước tiếp tục phục hồi thì khả năng cán cân thương mại năm 2015 theo hướng nhập siêu do phần lớn các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất, gia công lắp ráp được nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng USD mạnh lên so với các ngoại tệ khác sẽ có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại ở các thị trường này do hầu hết giao dịch của Việt Nam được thanh toán bằng USD.

Từ diễn biến xuất nhập khẩu và nhập siêu trong những tháng đầu năm, có thể dự báo khả năng cả năm 2015 sẽ trở lại vị thế nhập siêu lớn (sau 3 năm xuất siêu nhẹ). Nếu nhập siêu lớn, giá nhập khẩu tăng và tỷ giá tăng sẽ làm mất cân đối cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, lặp lại việc “nhập khẩu lạm phát” như đã từng xảy ra trước đây.

"Phấn đấu nhập siêu khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu"

Tại phiên họp Ban chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, các bộ trưởng đều bày tỏ lo ngại về sự suy giảm xuất khẩu.

Giải trình với Thủ tướng Chính phủ về sự giảm sút này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng bày tỏ: " Quý I dù vẫn duy trì đà tăng trưởng là trên 6%, nhưng so với cả năm là thấp và cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2013 và 2014, 2013".

Theo Bộ trưởng Hoàng, nguyên nhân là do nhóm hàng nông nghiệp, thuỷ sản giảm rất mạnh, cả về giá và khối lượng. Về kim ngạch, nhóm này đã giảm tới 797 triệu USD. Mặt hàng chủ lực thuỷ sản, gạo xuất thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng 20% trong giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Nguyên nhân thứ hai là do giảm giá trị đáng kể về dầu thô, than đá. Riêng nhóm hàng này giảm kim ngạch xuất khẩu tới 800 triệu USD. "Nếu tính cả mặt hàng gạo thì xuất khẩu quý I đã giảm 1,6 tỷ USD so với dự tính", Bộ trưởng Hoàng cho hay.

Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng cao, tốc độ trên 16%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, có điều đáng mừng là trong cơ cấu nhập, máy móc thiết bị chiếm chủ yếu, trên 80%. Mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ tăn 11,4%, mặt hàng hạn chế nhập khẩu giảm 1,3%. Như vậy, vẫn kiểm soat được nhập khẩu, điều kiện cho đầu tư, sản xuất kinh doanh nhưng vẫn khống chế những mặt hàng không cần thiết. Nhập siêu quý I bằng 5,1% trên tổng kim ngạch xuất khẩu cũng vẫn nằm trong dự báo đã báo cáo Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương phải chủ trì tháo gỡ xuất - nhập khẩu, phấn đấu xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu kiểm soát 5% tổng kim ngạch xuất khẩu"./.