Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự buổi làm việc có Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương cùng đại diện một số bộ, ban ngành Trung ương.

Công tác phòng chống buôn lậu còn bị động

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, 7 tháng đầu năm 2014, các lực lượng chức năng trong quân đội phối hợp với các cơ quan chức năng đã tham gia đấu tranh, khám phá trên 850 vụ với hơn 1.100 đối tượng buôn bán ma túy, bắt giữ và xử lý hơn 1.470 vụ và khoảng 1.270 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; khởi tố 25 vụ với 36 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 675 vụ với 686 đối tượng; tổng giá trị hàng hóa tạm giữ, tịch thu trị giá 150 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng, các lực lượng chức năng trong quân đội vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa phối hợp với các cơ quan, ngành, địa phương kiên quyết đấu tranh với các hành vi mua bán, vận chuyển các chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng thừa nhận, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tồn tại một số hạn chế như: còn bị động, lúng túng trong bố trí, sử dụng lực lượng; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn.

Một số cán bộ, chiến sĩ quân đội trình độ chuyên môn về nghiệp vụ trinh sát, điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hạn chế...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng chỉ rõ, tình trạng buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử, rượu bia, thuốc lá trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp trong khi phương tiện, điều kiện, nhân lực còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tác hại của buôn lậu; có trường hợp xử lý cán bộ sai phạm chưa kịp thời hoặc còn tình trạng lợi ích cục bộ địa phương; trình độ năng lực của cán bộ còn yếu, kiểm tra nội bộ chưa kịp thời để phát hiện và xử lý cán bộ tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu…

Mặt khác, việc phát hiện đường dây, ổ nhóm buôn lậu còn ít, chưa tập trung vào một số địa bàn trọng điểm về ma túy, buôn lậu, như: Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực, tham nhũng

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, Trung tướng Phạm Đình Giang, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng cho rằng: "cần làm tốt kiểm tra, giám sát của các cấp cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ, quản lý chặt chẽ nội bộ, không để cán bộ bị các đối tượng buôn lậu câu móc, dụ dỗ, mua chuộc".

Bên cạnh đó, cần chú trọng kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ hệ thống kho hàng, bến cảng,… không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng để chứa, giữ hoặc làm nơi trung chuyển hàng buôn lậu.

Ở góc độ khác, Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm đề xuất, nên rà soát lại các công ty tư nhân kinh doanh các loại than, quặng tại một số điểm nóng, như: thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh bởi một thành phố nhỏ như vậy mà có hàng trăm công ty kinh doanh than, quặng, trong đó có không ít “công ty ma”; xem xét lại chính sách tạm nhập tái xuất không chính ngạch với việc kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan ngành. Khi bắt giữ các vụ vi phạm cần công khai ngay cho báo chí để nhân dân và cơ quan chức năng nắm được, qua đó giám sát, theo dõi.

Còn Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thì cho rằng, cùng với việc chống buôn lậu ở khu vực biên giới, cũng cần tập trung “đánh mạnh” trong nội địa với các chủ đầu nậu lớn ở các tỉnh, như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh...

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại nhấn mạnh vào vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ hiện đại, chính quy; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực, tham nhũng.

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Cần kiểm tra và xử lý nghiêm minh những cán bộ, chiến sỹ tiếp tay, dung túng, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.

Bên cạnh đó, đề cao vai trò người đứng đầu đơn vị với quyết tâm cụ thể là nếu người đứng đầu đơn vị nào để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Các địa phương cần nhận thức rõ không vì lợi ích cục bộ mà không coi trọng chống buôn lậu và cũng cần tuyên truyền tốt hơn trong nhân dân đối với công tác này.

Các đơn vị phải làm tốt công tác dự báo tình hình để phòng ngừa cũng như tập trung truy quét các đầu nậu cả khu vực biên giới lẫn trong nội địa; tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu trên các tuyến biên giới, đường ngang và lối mở; khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát, kiến nghị sửa đổi chính sách, thể chế, bộ máy nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở chính sách trong công tác chống buôn lậu./.