Thời trang và các sản phẩm tiêu dùng bị làm giả nhiều nhất

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, năm 2014, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả, nhiều hơn so với các năm trước.

Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, ông Lê Thế Bảo chia sẻ, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở tất cả các loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Các sản phẩm mỹ phẩm, dệt may, giày dép, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, rượu bia, nước giải khát, bột giặt, vật tư nông nghiệp… là nhóm 30 mặt hàng bị làm giả, làm nhái trầm trọng nhất và có mức độ lưu thông lớn trên thị trường Việt Nam.

Chính vì thế, hàng giả, hàng nhái đã và đang trở thành vấn nạn gây nhức nhối của toàn xã hội, khiến cho người dân hoang mang, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp chân chính, gây thất thu ngân sách nhà nước, làm xấu đi môi trường kinh doanh và uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong năm 2014 đã trực tiếp xử lý hơn 17.000 vụ, số tiền xử phạt trên 57 tỷ đồng. Các nhóm mặt hàng liên quan đó là: rượu (trên 3.000 vụ), bia (trên 4.000 vụ), vải, quần áo, phân bón, mỹ phẩm...

Trong Quý I/2015, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát trên 4.000 vụ, trong đó quan tâm nhiều đến mặt hàng thực phẩm. Trong đó, nhiều vụ nổi cộm đã được các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng biên giới, biên phòng, hải quan.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đưa ra con số ấn tượng tại buổi Tọa đàm. Cụ thể, trong năm 2014, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tiếp nhận trên 500 vụ, đa số đều liên quan đến hàng hóa, bảo vệ thực phẩm... Trong đó, hơn 80% các vụ việc đã được Hội giải quyết thành công.

Ngoài ra, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, khảo sát, tổ chức các hội thảo để công bố kết quả khảo sát, cung cấp thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng về tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng xử lý. Hội tham gia xây dựng văn bản pháp luật về các chủ trương, chính sách bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam; tham gia tuyên truyền bảo vệ người tiêu dùng.

Đẩy lùi hàng giả tại Việt Nam

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, so với thực trạng tình hình buôn bán vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, số vụ hàng hóa bị lực lượng lượng chức năng bắt giữ còn chưa tương xứng, hàng giả lưu thông trên thị trường còn nhiều.

Phân tích nguyên nhân của tình hình, ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, các địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa bị làm giả cũng như các hiệp hội chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng. Hơn nữa, các văn bản pháp lý chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu. Các chính sách tuyên truyền, đưa tin các đối tượng làm giả vẫn chưa đúng tính chất.

Chia sẻ về khó khăn, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, hiện nay, có đến 30 ngành hàng bị làm giả, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Thực trạng này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, trong thời gian tới, để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, lực lượng chức năng các địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, ở các tuyến biên giới, lực lượng biên phòng, hải quan và cảnh sát biển giữ vai trò trọng yếu; trong nội địa, lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát và thuế phải tiên phong.

Bên cạnh đó, cần có sự chủ động, tích cực vào cuộc của chính các doanh nghiệp, tuyên truyền cho người dân không tiếp tay, bao che cho những hành vi vi phạm. Việc đồng bộ các văn bản pháp luật để xử lý cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, một điều quan trọng trong việc phòng chống hàng giả là bản thân người tiêu dùng cũng trở thành những “chiến sĩ” trên mặt trận chống hàng giả, hãy là những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những sản phẩm tốt, có thương hiệu, uy tín. Người dân cũng nên nắm vững luật pháp, hiểu rõ quyền lợi mà mình được hưởng, để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Đặc biệt, trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhập lậu, vai trò của các hiệp hội và doanh nghiệp rất quan trọng; các doanh nghiệp cần phải gắn kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng.

“Cần tăng cường tuyên truyền cho doanh nghiệp thấy được tác động tiêu cực của tình trạng hàng giả, hàng nhái, qua đó nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái để hàng giả, hàng nhái không còn đất sống”, ông Lê Thế Bảo nói./.