Phối hợp chưa đồng bộ

Thời gian vừa qua, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu liên tục suy giảm mạnh cả về giá và lượng. Điển hình nhất vẫn là mặt hàng dưa hấu và hành tím. Giải pháp “giải cứu” sau đó là kêu gọi “tình thương” của cộng đồng xã hội. Với dưa hấu, đa số người mua ủng hộ là người dân và tập thể, cá nhân cơ quan đoàn thể. Bên cạnh đó, đối với hành tím, một số siêu thị, công ty ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã "giải cứu" khoảng 500/50.000 tấn tồn đọng.

Con số nói trên thật sự vẫn còn khá nhỏ so với lượng nông sản đang ùn ứ cần được giải quyết. Hơn nữa, cách xử lý nói trên vẫn chỉ mang tính thời vụ. Bên cạnh đó, cần phải hiểu rõ về nguyên nhân của thực trạng này mới có thể tìm cách tháo gỡ và có giải pháp lâu dài cho các mặt hàng nông sản Việt thường lâm vào cảnh "được mùa, mất giá" và bế tắc đầu ra.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, ngoài những nguyên nhân do biến động trên thị trường thế giới khiến nhu cầu giảm xuống, nguồn cung tăng cao do sự tham gia cung cấp sản phẩm từ nhiều thị trường, sự liên kết từ khâu sản xuất, nghiên cứu thị trường đến tiêu thụ sản phẩm cũng chưa được hài hòa, dẫn đến khó khăn chung cho tiêu thụ nông sản.

Lý giải cho điều này, tại buổi tọa đàm “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/4 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, lý thuyết được đặt ra khi xây dựng quy hoạch phát triển cho bất cứ loại cây/con nào đều được thực hiện rất tốt, từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường và định hướng dài hạn thế nào... Tuy nhiên, quá trình triển khai chưa được như ý kiến.

“Câu chuyện cây mắc ca thời gian qua là một ví dụ. Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang làm quy hoạch thì nhiều nông dân ở các địa phương đã ào ạt trồng cây này, thậm chí nhiều địa phương còn đăng ký tăng diện tích trồng", ông Thừa cho hay.

Bên cạnh đó, ông Thừa cũng phân tích thêm, "chỉ cần thấy lợi nhuận, nông dân sẵn sàng bỏ quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu. Câu chuyện cây mắc ca cũng không phải cá biệt mà tình trạng này đã xảy ra nhiều lần. Chính vì vậy, cần xem xét lại việc phối hợp giữa 4 nhà trong từng lĩnh vực cụ thể".

Ông Nguyễn Trọng Thừa cũng thông tin thêm, công tác quy hoạch trên lý thuyết rất tốt, từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường ra sao và định hướng dài hạn thế nào... đều được dự báo và lên kế hoạch cụ thể nhưng triển khai thực hiện thì không đúng, như quy hoạch cà phê chỉ 520.000 ha thì nay đã có hơn 620.000 ha; cao su thì quy hoạch 800.000 ha thì nay có khoảng 1 triệu ha.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm, thời gian qua, việc liên kết giữa “bốn nhà” đã được triển khai. Tuy nhiên, do thiếu sự phối hợp tổng thể nên đã dẫn tới việc đứt đoạn thông tin. Đặc biệt, tình trạng này là thực tế xảy ra không phải giữa các bộ ngành với nhau mà là từ Bộ, ngành tới các địa phương - nơi trực tiếp tổ chức sản xuất cũng như giữa chính quyền với doanh nghiệp. Việc thiếu liên kết là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt những khó khăn trong tiêu thụ nông sản mà quả dưa hấu và củ hành tím chính là điển hình mới nhất.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, "chính sách nông nghiệp của chúng ta vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp. Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng có từ năm 2002 mà sau hơn 12 năm chưa có gì thay đổi. Chúng ta có đủng đỉnh quá không”, ông Dũng đặt vấn đề.

Học tập những mô hình thành công của nước ngoài

Tại Nhật Bản, có khi đến năm, bảy gia đình góp lại mới tròn một hecta đất để trồng hoa quả hay trồng lúa. Tuy nhiên, họ áp dụng mô hình “bốn nhà” - chính xác hơn là “ba nhà ngoài, một nhà trong” một cách thuần thục.

Nông dân được Nhà nước hỗ trợ ưu đãi tài chính khi bán nông sản, đặc biệt là lương thực cho nhà nước qua các gói trợ giá. Họ còn nhận được các giống mới, cùng với việc tập huấn tận vườn các kỹ thuật chăm sóc hiệu quả như cách bón phân, xử lý sâu bệnh, xử lý hoa và quả từ các viện nghiên cứu, các trường đại học về nông nghiệp. Các trường đại học, viện nghiên cứu nông nghiệp phải cho ra các sản phẩm mang tính đột phá dựa trên nhu cầu thực tế.

Nhật, Mỹ hay như châu Phi đều tận dụng tốt và phát huy hiệu quả các giống cây trồng, vật nuôi từ phòng thí nghiệm phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu. Trong khi đó các doanh nghiệp tích cực ghi nhận và nghiên cứu thị trường, sau đó đến tận ruộng để đặt hàng nông dân các sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng về cả khung chất lượng lẫn số lượng. Doanh nghiệp sẽ phản hồi về thái độ và nhu cầu thị trường để nông dân biết hướng điều chỉnh quy trình sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Nhìn chung, nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học tập trung giúp nông dân biết mình cần sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất bao nhiêu. Doanh nghiệp cũng sẽ nhận được chính sách ưu đãi thu mua và xuất khẩu từ Nhà nước, đồng thời mua được nông sản đạt chất lượng lẫn số lượng tối ưu. Trong khi đó, nhà khoa học có cơ hội đưa nghiên cứu vào thực tiễn dưới sự tài trợ của chính phủ, còn nhà nước sẽ được ba nhà còn lại tin tưởng và tín nhiệm hơn. Tạo nên kết quả “Win - Win”, tức tất cả đều hưởng lợi.

Bên cạnh đó, cũng cần phải học hỏi Nhật, Israel hay Thái Lan - những quốc gia thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất nông sản theo chuẩn quốc tế. Đó là kim chỉ nam để nông dân và doanh nghiệp “gãi đúng chỗ ngứa” của thị trường. Tuyệt đối không để xảy ra chuyện thị trường cần gạo chuẩn A mà nông dân tập trung sản xuất gạo chuẩn B nên đầu ra không đảm bảo.

Hay ở Nhật, các doanh nghiệp tại quốc gia này khi xuống đến nông trại sẽ thường xuyên cho nông dân biết nhu cầu thị trường là gì, bao nhiêu và giá ước chừng dao động trong mức nào để nông dân có thể đầu tư, sản xuất cho phù hợp, đảm bảo có lãi. Các chỉ tiêu về giá phải được Nhà nước quản lý và giám sát, đảm bảo không có trường hợp doanh nghiệp cố tình bán giá rẻ để cạnh tranh trong khi xuống vườn thì o ép nông dân dưới mức giá quy định. Cơ quan quản lý nông nghiệp phải đảm bảo môi trường thông tin giá cả minh bạch và chính xác, tránh trường hợp doanh nghiệp cố ý tạo ra bất đối xứng thông tin để lừa nông dân nhằm trục lợi.

Ví dụ ở Anh, người ta huy động thành lập “câu lạc bộ ngân hàng” phục vụ các hoạt động tài chính dài hạn dưới sự bảo lãnh của chính phủ. Nếu hệ thống tài chính dự phòng đủ mạnh để phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ; thực hiện nghiên cứu thị trường, nghiên cứu giống; hỗ trợ nông dân tạm ứng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp mua tạm trữ… thì nông sản sẽ có đầu ra ổn định hơn.

Nâng cao hơn nữa vai trò doanh nghiệp

Sau mặt hàng dưa hấu, đến thời điểm này, nhiều mặt hàng nông sản như vải thiều (Bắc Giang), trái thanh long (Bình Thuận)... đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời, câu chuyện "được mùa mất giá" sẽ tiếp tục diễn ra.

Bài học tiêu thụ vải thiều năm 2014 cho thấy, sau khi có sự chung tay của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phân phối và người nông dân trong việc đẩy mạnh tiêu thụ quả vải, kết quả đạt được đã cao hơn rất nhiều so với mong đợi. Đây là giải pháp cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung-cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn.

Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành đề ra những biện pháp cụ thể qua đó khắc phục được những hạn chế, yếu kém của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như hoạt động tiêu thụ nông sản. Các chính sách sẽ tập trung khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định lại những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu; Nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ cụ thể như sản lượng bao nhiêu là đủ, chất lượng như thế nào, thậm chí giá cả ra sao theo từng giai đoạn để phải định hướng cho người dân trồng cây gì cho phù hợp; Thiết lập và xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng từ sản xuất - chế biến - thị trường...

“Đặc biệt, Nhà nước chỉ đóng vai trò xây dựng chính sách. Vai trò của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã xác định doanh nghiệp là đối tượng để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và xúc tiến thương mại để nâng cao hơn nữa vai trò của đối tượng này trong tiêu thụ nông sản” – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa, nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn. Nhà nước chỉ đóng vai trò xây dựng chính sách. Vai trò của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tiêu thụ nông sản./.