Báo động thị trường du lịch

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 2.693,7 nghìn lượt người, giảm 9,8%; khách đến bằng đường bộ đạt 555,7 nghìn lượt người, giảm 23,1%; khách đến bằng đường biển đạt 25,8 nghìn lượt người, giảm 34,4%.

Trong 5 tháng đầu năm nay, khách đến từ châu Á đạt 2.152,4 nghìn lượt người, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 700,3 nghìn lượt người, giảm 29,8%; Nhật Bản 270,2 nghìn lượt người, giảm 1,1%; Đài Loan 175,3 nghìn lượt người, giảm 1,5%; Malaysia 138,1 nghìn lượt người, giảm 6,5%...

Khách đến nước ta từ châu Âu ước tính đạt 525 nghìn lượt người, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Nga đạt 146,1 nghìn lượt người, giảm 16,5%; Pháp 99,4 nghìn lượt người, giảm 6%; Anh 90,1 nghìn lượt người, giảm 6%; Hà Lan 19,6 nghìn lượt người, giảm 2,9%.

Khách đến từ châu Mỹ đạt 267,5 nghìn lượt người, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 215,3 nghìn lượt người, tăng 4%. Khách đến từ châu Úc đạt 148,9 nghìn lượt người, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 135,6 nghìn lượt người, giảm 9,3%.

Trong 4 năm qua, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm từ gần 35% (năm 2010) xuống còn 4% (năm 2014).

Hàng loạt nguyên nhân được Hiệp hội Du lịch đưa ra, lý giải cho thực trạng này. Một trong số đó là những yếu tố khách quan như sự cố biển Đông hay bất ổn chính trị tại Nga, Ukraina. Kinh tế thế giới biến động với việc trồi sụt các loại tỷ giá khác nhau, giá dầu liên tục giảm… cũng ảnh hưởng phần nào tới nhu cầu du lịch của du khách ngoại.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cơ chế quản lý hiện nay làm giảm khả năng chỉ đạo và liên kết giữa các địa phương. Không chỉ vậy, công tác xúc tiến đang ngày một thiếu chuyên nghiệp do quá nhiều cơ quan tham gia, nguồn lực thiếu nhưng lại phân tán, không thể tổ chức được các chiến dịch lớn, làm thay đổi thị trường và hút thêm khách vào Việt Nam.

Việc “dựa dẫm” vào thị trường khách lớn như Nga, Trung Quốc cùng rào cản về việc miễn thị thực (visa) cho công dân các nước khi vào Việt Nam được cho là những nguyên nhân khiến cho du lịch Việt Nam chững lại, nhất là so với các quốc gia láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Các nước này đã và đang sử dụng chính sách thị thực thuận lợi và thông thoáng để thu hút khách du lịch, cụ thể là đã miễn thị thực cho hầu hết các thị trường trọng điểm. Trong khi đó, Việt Nam thường không đơn phương miễn thị thực cho công dân nước ngoài, mà thực hiện trên cơ sở song phương.

Cần sự ra tay của Chính phủ

Trước bối cảnh này, tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thảo luận, nhất trí với các giải pháp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển du lịch.

Theo đề xuất của Bộ, ngoài 16 nước đang được miễn visa, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho 2 nhóm nước là thị trường trọng điểm, đối tác chiến lược, toàn diện có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn.

Hiệu quả từ việc nới lỏng visa có thể thấy rõ ở ngành du lịch Nhật Bản. Từ tháng 7/2013, nước này đã miễn visa cho khách Thái Lan, Malaysia, kéo dài thời hạn và cấp visa nhiều lần cho khách Campuchia, Indonesia, Phillipines, Lào, Myanmar, Việt Nam. Do đó, năm 2014 lượng khách du lịch đến Nhật Bản từ các thị trường này tăng lên đến 70% so với năm trước.

Tại Việt Nam, từ năm ngoái khi miễn visa cho du khách Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, lượng khách du lịch tăng từ 2 đến 7 lần, lớn hơn bình quân tăng trưởng khách quốc tế.

Bên cạnh đó, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Dự kiến quy mô quỹ sẽ lên đến 2.000-2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập. Trong đó 30% là từ nguồn ngân sách nhà nước, phần còn lại từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch.

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được sử dụng cho các hoạt động như quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; ứng phó giải quyết những vấn đề phát sinh do thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh; bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh an toàn cho du khách…/.