Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa phát hành báo cáo thường niên về tổng quan ngành cà phê toàn cầu vào tối qua, theo giờ Việt Nam.

Báo cáo thường niên về tổng quan ngành cà phê toàn cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ

Hàng năm, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) phát hàng 2 báo cáo thường niên về tổng quan ngành cà phê toàn cầu vào giữa tháng 01 và giữa tháng 06. Các báo cáo này đưa ra các dữ liệu thống kê về cung cầu cà phê trên toàn cầu và đưa ra các dự báo cho các niên vụ mới. Các báo cáo này khi được phát hành sẽ có những tác động lớn tới giá cà phê.

Báo cáo tổng quan về ngành cà phê toàn cầu tháng 06/2015 của USDA vừa phát hành tối hôm qua (theo giờ Việt Nam) đã điều chỉnh các số liệu của niên vụ cà phê 2014/2015 và đưa ra các dự báo cho niên vụ 2015/2016.

Sản xuất và xuất khẩu cà phê tại các nước

Theo USDA, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2015/2016 dự kiến sẽ phục hồi với mức tăng 6,4 triệu bao so với niên vụ trước, lên mức 152,7 triệu bao, nhờ vào sự gia tăng sản lượng cà phê từ Indonesia và Honduras, cũng như sự gia tăng nhẹ sản lượng cà phê của Brazil. Xuất khẩu cà phê toàn cầu và tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo gia tăng kỷ lục và lượng tồn kho cuối niên vụ thấp nhất trong 4 năm.

Khu vực Eurozone chiếm gần 50% lượng cà phê nhập khẩu của thế giới với dự kiến tăng thêm khoảng 500 ngàn bao lên mức 45,5 triệu bao, từ 3 nhà xuất khẩu hàng đầu là Brazil (30%), Việt Nam (24%) và Honduras (6%). Tồn kho cà phê cuối niên vụ tại Châu Âu được dự báo vẫn không đổi ở mức 12 triệu bao.

Nhập khẩu cà phê vào Mỹ được dự báo sẽ tăng 500 ngàn bao lên mức 24 triệu bao từ các nhà xuất khẩu chủ yếu là Brazil (28 %), Colombia (19 %), và Việt Nam (15 %). Tồn kho cuối niên vụ dự báo tăng 200 ngàn bao lên mức 5,7 triệu bao.

Thị trường cà phê Brazil

Hình 1 : Sản lượng cà phê Brazil phục hồi trong niên vụ tới

Sản lượng cà phê Arabica của Brazil được dự báo sẽ cải thiện, tăng thêm 3,8 triệu bao lên mức 38,0 triêu bao do thời tiết thuận lợi trong suốt quá trình ra hoa và phát triển quả cà phê, mặc dù trong tháng 01/2015 ghi nhận khô hạn hơn mức trung bình tại Minas Gerais và São Paulo, hai khu vực trồng cà phê chính, chiếm 80% sản lượng cà phê của Brazil.

Sản lượng cà phê Robusta được dự báo giảm 2,6 triệu bao còn 14,4 triệu bao do lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ cao hơn trung bình ở Espirito Santo, vùng trồng cà phê Robusta là chủ yếu.

Tổng sản lượng hai loại cà phê được dự báo tăng 1,2 triệu bao lên mức 52,4 triệu bao. Tuy nhiên, do tồn kho của niên vụ trước giảm, xuất khẩu cà phê từ Brazil được dự báo giảm 2,5 triệu bao xuống 30,0 triệu bao và tồn kho cuối niên vụ 2015/2016 dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu bao còn 4,3 triệu bao.

Thị trường cà phê Việt Nam

Hình 2 : Sản lượng cà phê Việt Nam duy trì mức cao

Sản lượng cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 400.000 bao lên mức 28,6 triệu bao do thời tiết thuận lợi. Hồi tháng Giêng và tháng 3/2015 có ghi nhận thời tiết nắng nóng và khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên nhưng đây là điều bình thường cùng với sự tăng cường tưới tiêu của người dân nên sản lượng cà phê gia tăng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4/2015 giúp quả cà phê phát triển tốt.

Diện tích trồng cà phê hầu như không đổi so với năm ngoái với hơn 95% diện tích cà phê của Việt Nam là cây cà phê Robusta, tuy nhiên sự gia tăng diện tích trồng cà phê khiêm tốn ở Lâm Đồng và Đắk Nông và có sự giảm nhẹ ở Gia Lai.

Xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam được dự báo tăng 500.000 bao lên mức 25,5 triệu bao, trong khi đó, tồn kho cà phê vẫn ở mức cao.

Thị trường cà phê Colombia

Hình 3 - Sản lượng cà phê Colombia tăng cao liên tục từ năm 2011/2012

Sản lượng cà phê Arabica của Colombia được dự báo tăng thêm 500.000 bao lên mức 13 triệu bao, mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua. Sản lượng cà phê của Colombia gia tăng liên tục từ năm 2011 sau nhiều năm giảm thấp vì bệnh rỉ sét và sâu đục thân.

Xuất khẩu cà phê nhân của Colombia được dự báo tăng 500.000 bao lên mức 11,5 triệu bao, chủ yếu là qua Mỹ và Châu Âu.

Thị trường cà phê khu vực Trung Mỹ và Mexico

Hình 4 : Sản lượng cà phê Honduras và các nước Trung Mỹ - Mexico

Khu vực các nước Trung Mỹ và Mexico chiếm 1/5 tổng sản lượng cà phê Arabica toàn cầu và bệnh rỉ sét đang cản trở ngành cà phê tại các nước này.

Mặc dù sản lượng cà phê toàn khu vực được dự báo tăng 750.000 bao lên mức 16,7 triệu bao nhưng phần lớn nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ của ngành cà phê Honduras.

Nicaragua cũng ghi nhận có sự gia tăng khi sản lượng cà phê được dự báo lên mức 2,2 triệu bao.

Mexico, Guatemala,và El Salvador được dự báo có sản lượng cà phê không đổi do vẫn phải vật lộn với dịch bệnh, lần lượt là 3,3 triệu bao, 3,2 triệu bao và 700.000 bao. Còn sản lượng cà phê của Costa Rica dự báo sẽ giảm xuống 1,4 triệu bao hay giảm gần 5%

Xuất khẩu cà phê nhân của toàn khu vực sẽ tăng 600.000 bao lên mức 13,6 triệu bao nhờ vào sự gia tăng từ Honduras.

Thị trường cà phê Indonesia

Sản lượng cà phê của Indonesia được dự báo sẽ tăng 2,2 triệu bao lên mức kỷ lục 11,0 triệu bao do thời tiết thuận lợi giúp quá trình ra hoa, kết quả và phát triển tốt. Mưa làm gián đoạn việc thu hoạch tại một số khu vực.

Với hơn 85% diện tích cà phê là Robusta, xuất khẩu cà phê nhân từ Indonesia được dự báo sẽ tăng 1,4 triệu bao lên mức 6,5 triệu bao lên 6,5 triệu bao.

Một số nước khác

Sản lượng cà phê của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 100.000 bao đến 5,2 triệu bao, nhờ vào sản lượng cà phê Robusta gia tăng tại Kamataka. Sản lượng cà phê Arabica được dự báo gần như không đổi. Xuất khẩu cà phê từ Ấn Độ được dự báo tăng nhẹ lên mức 3,5 triệu bao.

Sản lượng cà phê Arabica của Ethiopia được dự báo không thay đổi ở mức 6,5 triệu bao và xuất khẩu cà phê nhân được dự báo không thay đổi ở mức 3,5 triệu bao.

Hình 5: Sản lượng cà phê toàn cầu qua các niên vụ trước và dự báo niên vụ 2015/2016

Hình 6 : Xuất khẩu cà phê toàn cầu

Nhập khẩu cà phê của các nước

Hình 7 : Tình hình nhập khẩu cà phê thế giới

Khu vực Eurozone

Liên minh châu Âu là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới khi chiếm gần 50% tổng lượng nhập khẩu. Báo cáo của USDA cho biết nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục tăng thêm 500.000 bao lên mức 45,5 triệu bao.

Các nước xuất khẩu hàng đầu vào Liên minh châu Âu bao gồm: Brazil (30%), Việt Nam (24%), Honduras (6%).

Tồn kho cuối niên vụ dự báo không đổi ở mức 12,0 triệu bao.

Mỹ

Mỹ là nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với dự báo tăng 500.000 bao lên mức 24 triệu bao.

Các nước xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ bao gồm: Brazil (28%), Colombia (19%) và Việt Nam (15%).

Tồn kho cuối niên vụ dự báo tăng 200.000 bao lên mức 5,7 triệu bao.

Điều chỉnh số liệu 2014/2015 của USDA :

Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2014/2015 được điều chỉnh giảm 3,5 triệu bao còn 146,30 triệu bao. Trong đó :

- Trung Mỹ và Mexico giảm 700.000 bao còn 16 triệu bao, chủ yếu do bệnh rỉ sét.

- Việt Nam giảm 1,2 triệu bao còn 28,2 triệu bao do năng suất thấp.

- Peru giảm 500.000 bao còn 2,7 triệu bao do nguồn cung cho xuất khẩu giảm.

Tồn kho cà phê toàn cầu giảm 2,9 triệu bao còn 33,5 triệu.

- Việt Nam giảm 2,5 triệu bao còn 2,4 triệu.

- Brazil giảm 1,2 triệu bao còn 5,8 triệu bao do đã đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian vừa qua.

- Liên minh châu Âu tăng thêm 750.000 bao lên mức 12,0 triệu do tiêu thụ giảm.

Tác động của báo cáo thường niên ngành cà phê toàn cầu cảu USDA đến giá cà phê

Cà phê là một trong 10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trên 3,5 tỷ USD. Việt Nam đang là nước có sản lượng cà phê (Arabica và Robusta) đứng thứ 2 thế giới và là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Cà phê là một trong những hàng hoá giao dịch năng động nhất trong rổ hàng hoá thế giới. Giá cà phê biến động mạnh, liên tục, không ngừng và chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau, từ thời tiết, trào lưu trồng trọt, diện tích trồng trọt,dịch bệnh, đến các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị toàn cầu, các yếu tố tiền tệ (sức mạnh đồng USD, đồng nội tệ của Brazil, Việt Nam đồng…).

Trong đó, cung cầu cà phê là yếu tố cơ bản chi phối giá cà phê.

Báo cáo thường niên về tổng quan ngành cà phê toàn cầu của USDA là một trong những thông tin về cung cầu cà phê toàn cầu có ảnh hưởng lớn tới giá cà phê toàn cầu và giá cà phê Việt Nam. Các dữ liệu trong báo cáo này thường được giới chuyên môn xem là đáng tin cậy, làm cơ sở cho các hoạt động thương mại.

Ngay sau khi được công bố vào tối qua, giờ Việt Nam, báo cáo mới nhất của USDA đã khiến giá cà phê quay đầu giảm sau chuỗi ngày gia tăng mạnh mẽ từ đầu tháng 06/2015 khi USDA dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2015/2016 sẽ tăng thêm 6,4 triệu bao so với niên vụ trước lên mức 152,7 triệu bao.

Trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn ICE Futures US ở New York, giá cà phê Arabica giao tháng 09/2015 đang tăng lên mức 133 cent/lb đã quay đầu giảm về mức thấp nhất là 127,90 cent/lb rồi đóng cửa giảm 1,85 cent ở mức 130,10 cent/lb.

Trong khi đó, trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn ICE Futures Europe ở London, giá cà phê Robusta giao tháng 09/2015 đang giao dịch ở mức 1790 – 1793 USD/tấn đã nhanh chóng giảm về 1756 USD/tấn rồi đóng cửa giảm 7 USD so với ngày thứ Năm, ở mức 1773 USD/tấn.

Tuy nhiên, các dữ liệu từ báo cáo cho thấy, tổng sản lượng cà phê toàn cầu được dự báo tăng nhưng sản lượng cà phê Arabica tăng là chủ yếu (từ các nước Brazil, Colombia, Honduras…), nhưng sản lượng cà phê Robusta lại giảm xuống (đặc biệt là ở Brazil).

Mặt khác, sản lượng cà phê từ các nước sản xuất cà phê có tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu lại gia tăng, nhất là tiêu thụ nội địa tại Indonesia, Brazil…đang tăng mạnh.

Tồn kho cuối niên vụ giảm thấp ở hầu hết các nước sản xuất lẫn tiêu thụ cà phê là một thông tin tốt cho giá cà phê tăng.

Do vậy, nhìn chung, báo cáo mới nhất về cà phê toàn cầu của USDA hỗ trợ cho giá cà phê hơn là tác động tiêu cực và tích cực cho giá cà phê Robusta hơn là giá cà phê Arabica.

Hoàng Kim, một chuyên gia phân tích thị trường cà phê giàu kinh nghiệm tại Đắk Lắk. thủ phủ cà phê của Việt Nam, cho biết, tác động của báo cáo về cà phê toàn cầu của USDA tới giá cà phê không chỉ nhất thời mà có thể ảnh hưởng tới xu hướng trung hạn của giá cà phê.

Ông nhận định, các nhà kinh doanh cà phê và giới phân tích cần một thời gian nhất định để phân tích, so sánh, phản biện các dữ liệu và dự báo trong báo cáo mới nhất này của USDA với các báo cáo khác của chính phủ các nước sản xuất cà phê, các hiệp hội, các tổ chức cà phê khác và đặc biệt là báo cáo của Tổ chức cà phê thế giới (ICO) và cơ quan cung cấp số liệu nông sản của chính phủ Brazil (CONAB).

Cách đây vài ngày, ICO và CONAB đều đưa ra dự báo sản lượng cà phê thế giới thâm hụt nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là sản lượng cà phê Brazil chỉ ở mức 44,3 triệu bao trong niên vụ 2015/2016, thấp hơn nhiều so với dự báo của USDA.

Mặt khác, ông cũng đưa ra dự báo rằng giá cà phê sẽ tăng trong mùa hè do tác động từ chính sách tiền tệ kém tự tin của Fed, từ báo cáo nêu trên của USDA, từ biến đổi khí hậu toàn cầu càng ngày càng phức tạp và quan trọng nhất là sự thâm hụt nguồn cung cà phê toàn cầu so với nhu cầu tiêu thụ./.