Vô tình... kích cầu hộ ông hàng xóm (!)

Ngày 24/06, tại Hội nghị giao ban sản xuất, kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Vụ Kinh tế dịch vụ cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập trên 56.000 ôtô nguyên chiếc, tăng khoảng 30.000 xe so với cùng kỳ 2014. Trong đó, xe từ 9 chỗ trở xuống chỉ khoảng 18.000 xe, còn lại trên 36.000 chiếc là xe tải và xe khách.

Theo vị đại diện này, thì một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam phải tăng nhập khẩu xe tải là do chính sách kiểm soát chặt tải trọng xe, giảm tình trạng xe quá tải.

“Nếu như trước kia xe có thể chở tải trọng lớn, thì nay chỉ có thể chở tải trọng phù hợp, nên sẽ cần số lượng xe nhiều hơn, khiến tăng số lượng đầu xe”, vị đại diện này lý giải.

Như vậy, việc tăng nhập khẩu xe tải, xe khách là xuất phát từ chính sách, doanh nghiệp lường trước tác động của chính sách, nên đã chủ động nhập về.

Điều đáng nói là, thay vì kích cầu trong nước, chúng ta lại kích cầu "hộ" hàng xóm, bởi từ thời điểm chính sách trên có hiệu lực (cuối quý IV/2014), xe tải Trung Quốc đã được nhiều doanh nghiệp vận tải trong nước “ưu ái” nhập về khiến số lượng ô tô tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng đột biến.

Số lượng ô tô tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng đột biến

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm 2015, lượng xe tải nhập về xuất xứ từ Trung Quốc tăng đột biến với 8.860 chiếc, tăng 289% vươn lên đứng đầu (Cả năm 2014, số xe tải nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ 10.117 chiếc).

Xe tải Trung Quốc về nước chủ yếu qua đường bộ tại Lạng Sơn, Quảng Ninh và đường thủy Hải Phòng. Riêng tại Lạng Sơn, quý 1/2015, lượng xe tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc xấp xỉ 3.000 chiếc, tăng gần gấp 6 lần so với con số 527 chiếc cùng kỳ năm trước.

Sở dĩ lượng xe nhập khẩu Trung Quốc tăng cao do trong nước không đáp ứng đủ. Đã vậy, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2015-2018, có hiệu lực ngày 01/01/2015, xe tải Trung Quốc đã được áp dụng thuế suất ưu đãi. Vì thế, giá xe nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ bằng 2/3 giá các loại xe từ ASEAN, châu Âu, trong khi chỉ cần 3-4 năm đã hoàn vốn.

Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tải Trung Quốc dự báo năm nay tình hình kinh doanh ô tô tải nhập khẩu Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tốt, tăng trưởng khoảng hai con số vì Chính phủ cương quyết kiểm soát tải trọng của các loại xe lưu thông trên đường, trong khi kinh tế đã bắt đầu khá lên, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng.

...và tạo áp lực lên doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước

Bên cạnh việc “vô tình” kích cầu hộ ông hàng xóm (!), thì chúng ta cũng đang tạo ra một mối lo ngại khác, đó chính là tương lai của ngành công nghiệp ôtô.

Tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn mới, trong đó các loại xe tải và xe bus được xác định là nhóm sản phẩm chủ lực.

Thực tế cũng cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại thì xe tải chính là các dòng sản phẩm mà các doanh nghiệp ô tô trong nước thành công nhất. Có thể kể đến một số doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước đã từng đi lên từ xe tải và hiện cũng đang phát triển mạnh mảng sản phẩm xe tải, như:Trường Hải (Thaco), Vinamotor, VEAM…

trước cuộc đổ bộ ồ ạt và liên tiếp lập những kỷ lục của xe tải Trung Quốc, xe tải sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đang bị đẩy lùi ngay trên sân nhà. Đà tăng trưởng sức mua đối với xe tải là khá rõ ràng, song tỷ lệ tăng trưởng giữa xe CKD với xe CBU đến từ Trung Quốc lại rất chênh lệch.

Đơn cử, tỷ lệ tăng trưởng xe thương mại (chủ yếu là xe tải) lắp ráp trong nước 4 tháng đầu năm đạt 81% thì tỷ lệ tăng trưởng xe thương mại (chủ yếu là xe tải) từ Trung Quốc cùng giai đoạn lên đến 300%.

Đây rõ ràng là một sức ép vô cùng lớn đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước mà xe tải chính là một sở trường, hay nói chính xác hơn, xe tải là mảng sản phẩm mà các doanh nghiệp đủ sức sản xuất nhất./.