Nhập khẩu hàng nghìn tỷ đồng thực phẩm chức năng mỗi năm

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo Quốc gia 389), năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu một lượng thực phẩm chức năng với trị giá hơn 2.400 tỷ đồng.

Riêng 05 tháng đầu năm nay, với gần 500 doanh nghiệp nhập khẩu, lượng thực phẩm chức năng nhập về Việt Nam đã tương đương hơn 1.400 tỷ đồng. Đây là thống kê đối với các sản phẩm nhập khẩu chính ngạch có khai báo hải quan, chưa kể các loại hàng nhập tiểu ngạch, nhập lậu.

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 cũng cho biết, thống kê này chưa bao gồm các sản phẩm sữa - vốn luôn là dòng sản phẩm có khối lượng nhập khẩu lớn và sản lượng tiêu thụ thuộc dạng nhiều nhất hiện nay trên thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung.

Tiền triệu mua hàng Trung Quốc giả Mỹ

Mới đây nhất, nhiều kênh truyền hình, báo chí đưa tin, tối ngày 25/06, “ông trùm” làm thực phẩm chức năng giả, Nguyễn Duy Bảo - Giám đốc Công ty Bảo Khang ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh vừa bị bắt đã khiến người dân sững sờ.

Bởi ước tính từ hai năm qua, hàng nghìn thùng thực phẩm giảm béo "rởm" của Công ty này đã được người dân tiêu thụ. Express Slimming, Best Weight Gain, Evanice, Reduce Weight hay Weight Gain Plus... đều là thực phẩm chức năng giảm béo có xuất xứ từ Mỹ đã bị “ông trùm” này làm giả.

Các nhãn hiệu thực phẩm nhái trên được nhân viên của Công ty này cho biết, tiêu thụ mạnh nhất ở các tỉnh miền Tây và miền Trung.

“Mỗi tháng, mặt hàng thực phẩm chức năng này được bán ra khoảng 2 nghìn hộp, chủ yếu là về vùng nông thôn”, nhân viên này khai báo và cho biết, do hàng “xịn” giá rẻ hơn một nửa so với hàng chính hãng nên “bán chạy” như tôm tươi.

Để bành trướng về hàng giả tháng 12/2014, ông chủ của Bảo Khang mở thêm chi nhánh công ty ở TP. Cần Thơ. Đây là nơi tập kết số hàng giả mà Bảo cho nhân viên chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về để phân phối đi các tỉnh. Ít ai biết, những thực phẩm chức năng “xịn” này được Bảo nhập về từ Trung Quốc thông qua một đầu nậu người nước này tên là Jerry.

Ngoài chụp hình các mẫu sản phẩm xịn từ Mỹ gửi qua cho Jerry làm giả, sau đó chuyển hàng về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, Bảo còn nhập nguyên liệu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về pha thêm bột mì và hương liệu, sau đó đặt viên nhộng, in nhãn, vỏ hộp rồi “hô biến” thành thực phẩm chức năng giảm béo của Mỹ.

Trước khi sự việc vỡ lở, Bảo Khang còn tổ chức hàng loạt buổi tư vấn giảm béo cho chị em ở các vùng quê của tỉnh Long An, Tiền Giang và Bạc Liêu để bán sản phẩm. Express Slimming- loại thực phẩm chức năng giảm cân được nhân viên của công ty này “nổ” với nhiều cô gái nhẹ dạ là “thuốc giảm cân” chiết xuất từ trái thanh long, tiêu thụ khá mạnh.

Cần chế tài mạnh tay hơn nữa

Trả lời với báo giới, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho biết, trong năm 2015, cơ quan này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng.

Cụ thể, bên cạnh áp dụng chế tài và mức xử phạt khá cao như hiện nay, Cục An toàn Thực phẩm sẽ áp dụng các hình phạt bổ sung, như: rút giấy phép, công bố công khai các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm trên cổng thông tin của Cục và các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo rộng rãi hơn nữa cho cộng đồng.

Đồng thời, trong năm 2015, Cục sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan quản lý, như: Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông, các đơn vị phát hành quảng cáo, cơ quan báo chí thông báo nội dung các sản phẩm được xác nhận thẩm định quảng cáo cũng như thông báo cả các đơn vị, sản phẩm vi phạm. Theo đó, Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông sẽ xử lý nghiêm các trang mạng, đơn vị quảng cáo, nhà in thực hiện quảng cáo không đúng, còn Cục An toàn Thực phẩm sẽ xử lý các sản phẩm, đơn vị vi phạm. Ngoài ra, còn tăng cường thông tin đến các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố phối hợp xử lý các vi phạm về thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp nói trên của Bộ Y tế, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong vấn đề xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, cụ thể là phải thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc phối hợp với cơ quan công an để xử lý nếu quảng cáo gây thiệt hại cho xã hội, người tiêu dùng.

Đồng thời, các cơ quan báo chí, truyền hình cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm duyệt nội dung quảng cáo, thực hiện triệt để yêu cầu về tính chính xác của các sản phẩm là thực phẩm chức năng.

Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm chức năng khi có nhu cầu thực sự, lựa chọn cho phù hợp với mục đích nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, hoặc các nhóm thực phẩm chức năng có tác dụng đối với từng bộ phận cơ thể theo nhóm đó, không nên nghe lời quảng cáo quá sự thật để tránh những thiệt hại không đáng có về sức khỏe và kinh tế./.