Theo phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), giai đoạn rà soát POR8 từ ngày 1/2/2012 đến 31/1/2013, có 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá từ 4,98-9,75%. Điều này đã gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung.

Một quyết định nhiều phi lý

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết, ngày 19/9/2014, Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam bán vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8).

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ xác định giá tôm nhập từ Việt Nam thấp hơn giá trị hợp lý tại thị trường này, tức là đã bán phá giá. Do vậy, doanh nghiệp Việt phải chịu mức thuế cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, Tập đoàn thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%.

Trước đó, trong tháng 3, theo kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 này, DOC đã xác định tất cả các công ty Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đã xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý, tức là đã bán phá giá tại thị trường này. Do đó, DOC đã quyết định mức thuế cao đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam.

May mắn là trong đợt này vẫn có 6 doanh nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế suất 0% do không có xuất hàng trong kỳ rà soát này. Cụ thể, công ty Seavina, Nhật Đức được hưởng mức thuế 0%; Cam Ranh Seafoods hưởng mức thuế 0,88% áp dụng đến tận tháng 9/2016 (chịu rà soát của kỳ 10, nếu có xuất hàng trong kỳ này). Còn 3 công ty còn lại là Bac Lieu Fisheries, Ngọc Sinh, Ngọc Trí hưởng mức thuế 0% được áp dụng đến tháng 9/2015 và chịu rà soát của kỳ 9.

Sau khi quyết định được công bố, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thời hạn 30 ngày để khiếu nại quyết định của DOC ra Tòa án Thương Mại Quốc Tế Mỹ.

Điều đáng nói là, quyết định này của DOC được đưa ra bởi việc áp dụng phương pháp tính thuế chống bán phá giá mới.

Theo đó, DOC đưa ra một phương pháp tính thuế mới dựa trên “phân tích chênh lệch giá” (differential pricing). Phương pháp này phân tích một loạt mức chênh lệch giữa giá bán thấp và cao của cùng một sản phẩm tôm ở doanh nghiệp. Mức chênh lệch đó, sau được phân loại thành thấp, trung bình và cao so với mặt bằng chung của giá sản phẩm này ở Mỹ.

Mức chênh lệch giá được cho là cao sẽ bị DOC kết luận bán phá giá và DOC sẽ thực hiện rà soát với tất cả các chủng loại sản phẩm khác của doanh nghiệp (ví dụ: tôm ở các kích cỡ khác nhau).

Đến đây, DOC chia ra 3 mức sản phẩm có chênh lệch giá bán cao để đánh thuế, từ 0-33%, từ 33-66% và từ 66% trở lên. Minh Phú bị cho là có 63,4% số sản phẩm có chênh lệch giá cao so với các nhà xuất khẩu khác, phải chịu thuế tăng lên tới 4,98%. Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) có 69,4% số sản phẩm có chênh lệch giá bán ra cao, phải chịu mức thuế 9,75%.

30 công ty xuất khẩu tôm khác chịu mức thuế 6,37%. Tất cả các nhà xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá chung lên tới 25,76%. Trong số các công ty có nguy cơ phải chịu thuế chống bán phá giá trên của DoC có tới 5 công ty niêm yết và một số công ty đại chúng đang giao dịch tại sàn UPCoM.

Như vậy, sau gần 1 năm (từ ngày 10/9/2013) được hưởng thuế suất %, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm lại lao đao trước vụ chịu thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước đến nay.

Phản ứng từ phía Việt Nam

Sau khi DOC công bố quyết định nói trên, ngày 27/9/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam là không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, không phù hợp với quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”.

Ông Lê Hải Bình cũng khẳng định, “các công ty Việt Nam không bán phá giá mặt hàng tôm vào thị trường Hoa Kỳ, không gây thiệt hại và đe dọa thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp tôm Hoa Kỳ”.

Vì vậy, Bộ Ngoại giao cho rằng, các hoạt động thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người nuôi trông, sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam cũng như lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối tôm Hoa Kỳ”.

Bài học nào ngành thủy sản Việt Nam

Theo các chuyên gia thương mại, việc phải đương đầu với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ khiến thuế xuất khẩu tôm Việt Nam tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ rất khó khăn và xuất khẩu tôm nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung vào thị trường Mỹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Để tránh nguy cơ bị kiện bán phá giá, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cần phải thống nhất một mức giá sàn xuất khẩu tôm. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong kinh doanh, không để xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm” như việc áp thuế vừa qua, trong khi có 32 doanh nghiệp bị áp thuế cao, còn 6 doanh nghiệp vẫn hưởng mức thuế 0%.

Trước đây, với sự vào cuộc tích cực của VASEP, việc các doanh nghiệp đã phá rào, cạnh tranh nhau, kéo giá xuống quá thấp đã được ngăn chặn nhưng sau đó tình trạng này lại tái diễn. Cách làm như vậy chỉ giải quyết được cái lợi trước mắt nhưng lại gây hại trong lâu dài. Việc DOC tăng thuế lần này đối với mặt hàng tôm của Việt Nam khi vào thị trường Mỹ là cảnh báo không chỉ đối với mặt hàng cá tôm mà còn với những mặt hàng thủy sản khác.

Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thường phụ thuộc vào một số thị trường chủ lực. Điển hình là mặt hàng tôm phụ thuộc vào thị trường Mỹ tới 22%.

Do đó, để hạn chế thiệt hại trong bối cảnh các nước có xu hướng gia tăng sử dụng rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, các chuyên gia thương mại của Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần có chiến lược mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị và giảm nguy cơ bị các nước kiện bán phá giá.

Ðể vượt qua "rào cản" này, không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tính quan trọng của giải pháp này đã được chứng minh qua việc, từ đầu năm đến nay có nhiều chính sách liên quan phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản được ban hành./.