Câu chuyện này có lẽ sẽ mãi không có hồi kết khi ngành điện vẫn được kinh doanh độc quyền.

Nhiều bất cập của ngành điện

Còn nhớ cuối năm 2014, EVN đã công bố trước Thủ tướng Chính phủ con số hàng chục nghìn người, cụ thể là 67.000 người (con số mà sau đó một số lãnh đạo ngành điện không thừa nhận) làm trong ngành điện chỉ đi ghi công tơ, thu tiền điện. Con số này đã khiến dư luận giật mình. Còn Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu EVN giảm bớt số con số này và yêu cầu EVN phải bố trí họ làm việc khác, tăng mua thiết bị thay thế.

Trong khi đó, tại Mozambique - một nước nghèo ở châu Phi, người dân ở đây có thể mua điện và trả tiền điện giống như việc sử dụng điện thoại di động. Một gia đình cào thẻ dùng điện trả trước, hết tiền hệ thống quản lý tự động cắt điện, nếu muốn dùng tiếp hộ này chỉ cần nạp thẻ qua di động là xong.

Còn ở Việt Nam thì sao? Nhân viên đi thu tiền điện vẫn phải gõ cửa từng nhà thu từng đồng, có khi đi đi lại lại vài lần mới thu xong tiền điện của một hộ do họ không phải lúc nào cũng ở nhà. Lại có cảnh người dân một số địa phương phải xếp hàng để trả tiền điện như thời bao cấp…

Tổng số lao động đi thu tiền điện lên đến 67.000 người, lại làm việc theo cách thủ công dẫn đến chi phí phải đội lên. Công đi thu tiền điện của dân lại phải tính vào giá điện. Giá điện vì thế phải cõng đủ loại chi phí, làm sao có thể rẻ?!

Người dân kêu thì ngành điện đề nghị hãy đi giám sát cùng ngành điện khi chốt chỉ số công tơ. Có thể tới đây, người dân lại phải bỏ công bỏ việc để đi… leo cột điện cùng nhà đèn. Mà leo cột điện cùng nhà đèn cũng chưa chắc hết được sai sót vì công tơ chốt ở cột điện là một chuyện, đến lúc chỉ số điện đưa về còn phải được tra cứu, nhập máy bởi hàng trăm nhân viên khác.

Và một điều chắc chắn khó tránh khỏi đó là sai sót (có thể vô tình hoặc hữu ý) xảy ra từ cách làm thủ công này.

Chính vì thế mà mấy ngày gần đây, báo chí phản ánh, nhiều hộ dân đã phát hiện và kiến nghị về việc hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường. Đa phần các hộ gia đình đều cho rằng, nguyên nhân hóa điện cao bất thường chính là do nhân viên điện lực ghi sai chỉ số điện.

Điển hình là vào ngày 13/07/2015, phát biểu trên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa thừa nhận có sai sót đối với trường hợp của 01 hộ gia đình tại Quận và đây là lỗi của nhân viên ghi chỉ số công tơ và rà soát hóa đơn.

Theo đó, sau khi dùng thiết bị chụp màn hình công tơ điện, nhân viên nhập số liệu vào máy tính bảng bị nhầm số, dẫn đến kết quả tính toán trên hóa đơn bị sai, làm cho sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao so với tháng trước. Cụ thể, nhân viên đã bấm nhầm số giữa số 0 và 1 trên bảng tính ghi chỉ số. Đặc biệt, khi phát hiện sai sót, các nhân viên này đã tự thỏa thuận với khách hàng, mà không báo cáo sự việc với lãnh đạo công ty.

Trong năm 2014, EVN cũng dính vào vụ việc “lùm xùm” khi tính cả chi phí biệt thự, sân tennis vào giá thành điện. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hàng vào sáng ngày 01/4/2014, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,về những nội dung trong kết luận thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc xây dựng sân tenis, bể bơi trong các dự án điện là cần thiết.

Cụ thể, về việc chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi… tính vào giá bán điện, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong 6 dự án nhiệt điện của EVN, gồm Ô Môn 1, Phú Mỹ 1 và 4, Nghi Sơn 1, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, thì đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”.

Tuy nhiên, trên thực tế đó là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.

Còn độc quyền, còn chậm đổi mới!

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Tây Ninh) từng phải thốt lên với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng rằng: “Điện là mặt hàng kỳ lạ, chỉ tăng giá, tăng giá và tăng giá”.

Không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân trực tiếp điện luôn tăng giá, đội giá và thất thoát là do công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới.

Các chuyên gia về ngành điện cho rằng, trên thực tế ngành điện có thể áp dụng chính sách bán điện giống như các nhà mạng đang áp dụng đối với thuê bao trả trước và trả sau. Thậm chí, ngành điện có thể áp dụng chính sách bán điện giá cao ở lúc cao điểm và giá thấp vào giờ thấp điểm để tránh làm quá tải mạng lưới và tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Nếu áp dụng chính sách này, những khách hàng có điều kiện sẽ sử dụng điện theo nhu cầu, còn ai muốn tiết kiệm chi phí có thể chọn thời điểm thấp điểm, giá điện thấp hơn để sử dụng các thiết bị điện như bình nóng lạnh, điều hòa…

Đứng về phía lợi ích người tiêu dùng, tại Hội thảo “Thị trường năng lượng cạnh tranh”, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 01/07 vừa qua, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, cần phải thay đổi cấu trúc, cách thức quản lý EVN.

“Với EVN, về trung và dài hạn, cần chia tách tập đoàn này. Cần phải tách hệ thống truyền tải khỏi sản xuất, đây là hệ thống độc quyền tự nhiên nhà nước phải vận hành nó, để người sản xuất và người tiêu dùng có quyền bình đẳng như nhau và thuận lợi tiếp cận hệ thống truyền tải. Giá cả của nó phải là giá dịch vụ công ích”, TS. Cung đề xuất.

Đồng quan điểm nói trên, cũng tại Hội thảo này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc EVN, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) xây dựng chính sách giá điện là không hợp lý. Vì Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý vừa giám sát nên Bộ này chưa bao giờ từ chối đề xuất tăng giá điện.

"EVN và Bộ Công Thương là một. Vấn đề là cải cách thể chế, cần có cơ quan độc lập, tách khỏi Bộ Công Thương, tách chức năng chủ sở hữu trực tiếp và hoạt động theo luật. Đây là mô hình của các nước theo thị trường”, ông nói./.

Tham khảo từ các nguồn:

1. Bảo Linh (2015). Ghi sai hóa đơn điện: Nếu không bị phát hiện, tiền chênh lệch về đâu?, truy cập từ http://vtc.vn/ghi-sai-hoa-don-dien-neu-khong-bi-phat-hien-tien-chenh-lech-ve-dau.1.562772.htm

2. Trần Ngọc (2015). EVN luôn được “bênh” dù ghi sai chỉ số khiến hóa đơn điện cao ngất, truy cập từ http://vov.vn/kinh-te/evn-luon-duoc-benh-du-ghi-sai-chi-so-khien-hoa-don-dien-cao-ngat-414256.vov