Cụ thể: theo Quyết định số 8266/QĐ-BCT, ngày 10/08/2015 của Bộ Công Thương về phê duyệt Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam, 5 tổng công ty điện lực được quyền tham gia và bán buôn điện cạnh tranh, thay vì chỉ một Công ty Mua - bán điện thuộc EVN như trước kia. Đó là: Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung.

Điều đó cũng có nghĩa thế độc quyền mua - bán, phân phối điện của EVN chính thức được xóa bỏ.

Theo Bộ Công Thương, với nhiều điểm mới trong thiết kế chi tiết thị trường buôn bán điện cạnh tranh, từ nay đến năm 2021, sẽ xóa bỏ vai trò độc quyền trong sản xuất, phân phối và cung ứng điện của EVN.

Bên bán điện gồm các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất trên 30 MW trực tiếp tham gia thị trường điện. Các nhà máy thủy điện có công suất từ 30 MW trở xuống có quyền lựa chọn tham gia thị trường điện khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng.

Nhà máy điện được đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) và các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo các hình thức như trực tiếp tham gia thị trường hoặc tham gia thị trường thông qua đơn vị chào giá thay thuộc EVN.

Quyết định cũng nêu rõ, một số nguồn điện sẽ không tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh như các nguồn điện nhập khẩu, các nhà máy điện sử dụng năng lượng giá, mặt trời, địa nhiệt không phân biệt mức công suất đặt, các nhà máy thủy điện có công suất đặt từ 30 MW trở xuống.

Các khách hàng sử dụng điện lớn mua điện từ cấp điện áp 110 kV trở lên đấu nối trực tiếp vào trạm biến áp truyền tải cấp điện áp 220 kV.

Đơn vị mua buôn mới cũng sẽ được thành lập và được phép tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương và Công ty Mua - bán điện (thuộc EVN).

Với cấu trúc trên, 5 tổng công ty điện lực hiện nay sẽ phải tách độc lập hoàn toàn với EVN về sản xuất, kinh doanh.

Về lộ trình, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được hình thành và phát triển qua 4 giai đoạn. Cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 là chuẩn bị tính đến hết năm 2015.

Giai đoạn 2 là vận hành thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2016 chỉ tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực.

Giai đoạn 3 là vận hành thí điểm bước 2 thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2017-2018.

Giai đoạn 4 là vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2019.

Việc hình thành thị trường mua - bán điện như trên thực sự đã cởi bỏ được nút thắt trước đây, khi các đơn vị phát điện chỉ được bán cho Công ty Mua - bán điện (thuộc EVN) với mức giá được Bộ Công Thương đưa ra. Sau đó Công ty Mua - bán điện phân phối lại cho các tổng công ty điện lực và đến tay khách hàng. Đây là điều mà người dân mong đợi từ lâu và giới chuyên môn cũng lên tiếng nhiều năm qua.

Trong những bài viết đã đăng tải trên Tạp chí điện tử Kinh tế và Dự báo về độc quyền ngành điện, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: vấn đề ở đây là cấu trúc thị trường và kiểm soát độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Công cụ quản lý là chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền; không phải là kiểm soát, thanh tra giá; không phải là can thiệp và mệnh lệnh hành chính.

TS. Cung cũng đưa ra nhận định, đây là thời điểm và cơ hội để đổi mới thể chế thiết lập trật tự thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Phải thiết lập các tổ chức, cơ quan chuyên trách, độc lập để xây dựng và duy trì trật tự thị trường như cơ quan giám sát điện, cơ quan kiểm soát độc quyền.

Nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương đang có vấn đề, như TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận, khiến cho việc điều hành, quản lý giá trở nên thiếu khách quan.

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, Cục Quản lý cạnh tranh không thể tiếp tục vị thế như hiện nay. “Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh lại dưới quyền một Thứ trưởng, mà vị này lại là người từng được điều về EVN thì không ổn. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ không thể hoạt động một cách thực sự được và “đây là điều không bình thường”, TS. Doanh nói./.