Trên thị trường thế giới, giá dầu đã tiếp tục giảm thêm 1% trong phiên ngày 07/08 và rớt xuống mức thấp nhất kể từ 6 năm rưỡi qua, sau khi "khách hàng" tiêu thụ dầu nhiều thứ 3 thế giới là Nhật Bản vừa công bố nền kinh tế đang bị co lại trong quý II/2015, cùng với đó là sự suy thoái của Trung Quốc đang tiếp tục gây áp lực đè nặng lên giá dầu.

Với diễn biến nói trên, thì kỳ vọng có mức giảm giá sâu vào ngày mai (19/08) như kỳ điều hành ngày 04/08 với trên 800 đồng/lít xăng RON 92 hay thậm chí giảm đến 1.900 đồng/lít như hồi đầu năm là không hề dễ xảy ra.

Lý do là bởi giá xăng vẫn tiếp tục phải gánh quá nhiều thuế, phí, các loại chi phí khác mà đặc biệt là thuế nhập khẩu xăng dầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng biên độ tỷ giá lên +/-2% vào ngày 12/8 vừa qua.

Theo quy định, thuế nhập khẩu xăng dầu phải nộp theo tỷ giá liên ngân hàng được niêm yết, gây ảnh hưởng đến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo tính toán.
Về mặt lý thuyết, với động thái nới biên độ tỷ giá, giá nhập khẩu xăng dầu sẽ tăng theo đà yếu đi của đồng tiền nội địa. Nhưng trên thực tế, hoạt động giao dịch mua - bán xăng dầu trước nay hoàn toàn dựa vào giá USD ngoài thị trường nên có khả năng xăng dầu được mua vào với giá USD không tăng hết biên độ cho phép.

Chia sẻ với báo giới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: “Nếu các chi phí này thấp thì chắc chắn doanh nghiệp dù có muốn quay vòng nhanh cũng chỉ dám chiết khấu đến vài trăm đồng mỗi lít. Thực ra, trước kia chỉ cần chiết khấu dưới 500 đồng/lít là đại lý đã sống khỏe, còn chiết khấu trên 600 đồng/lít là khá cao rồi!”. Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, cần xem xét bãi bỏ quỹ bình ổn xăng dầu bởi công cụ này thiếu hiệu năng và dễ bị lạm dụng.

Trong khi đó, đối tượng phải gánh chịu các khoản chi phí cố định này chính là người tiêu dùng, bởi nó khiến giá cơ sở không bao giờ thấp tương ứng với diễn biến thị trường. Như thế, dù giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá bán trong nước luôn luôn mơ hồ đối với giới dự báo thị trường.

Do vậy mà nhiều kỳ vọng được đưa ra là giá xăng dầu sẽ giảm, dù không giảm mạnh nhưng vẫn ở một mức phù hợp với biến động giảm của thị trường dầu mỏ trên thế giới, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của cả doanh nghiệp xăng dầu lẫn người tiêu dùng.

Trả lời với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, PGS, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, yếu tố điều hành của con người mới chính là điểm mấu chốt của việc xăng tăng hay giảm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc điều hành giá xăng hiện nay vẫn chịu nhiều tác động từ sự can thiệp của Nhà nước, khiến giá bán lẻ chưa thực sự tuân theo quy luật thị trường. Tính đến 20/07, theo báo cáo của Petrolimex, Quỹ bình ổn xăng dầu còn tồn 1.350 tỷ đồng. Đã 2 chu kỳ điều chỉnh giá xăng liên tiếp kể từ 20/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính ngừng chi sử dụng Quỹ và giữ nguyên mức trích lập. Khi ngừng chi sử dụng trong giai đoạn tháng 1/2015, Quỹ bình ổn tăng từ 2.200 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng trong vòng 2 tuần.

Cũng theo PGS. Ngô Trí Long, qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới có thể khẳng định, kỳ điều hành tới đây, giá xăng dầu trong nước chắc chắn giảm. Tuy nhiên, mức giảm có thể không lớn, vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố về chính sách và vĩ mô.

Ông Long khuyến nghị cơ quan quản lý không nên cứng nhắc tiếp tục trích quỹ bình ổn giá khi giá thế giới giảm, mà cần linh hoạt để hạ giá xăng dầu, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu.

Kể từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh 9 lần trong đó có 4 lần tăng giá và 5 lần giảm giá. Trong 4 lần tăng, giá xăng RON 92 đã tăng thêm 5.040 đồng/lít so với lần tăng cuối cùng trong năm 2014. Lần tăng giá mạnh nhất là vào ngày 5/5/2015 với mức tăng 1.950 đồng/lít.