Bộ Tài chính “siết” giá cước vận tải

Từ chiều 19/08/2015, giá xăng RON 92 giảm 768 đồng/lít, hiện tại giá xăng ở mức 18.536 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm tương tự, về mức tối đa 18.041 đồng/lít. Giá dầu diezel 0,05% giảm 441 đồng/lít, về mức giá 13.521 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 703 đồng/lít, về mức giá 12.409 đồng/lít; giá dầu mazút giảm 736 đồng/kg, về mức giá trần không quá 10.136 đồng/kg.

Như vậy, tính từ đầu năm 2015 đến nay, qua 4 lần tăng, giá xăng RON 92 tăng thêm 5.040 đồng/lít; qua 6 lần giảm giá, xăng đã giảm được 4.388 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng đã về gần với mức giá thấp nhất của đầu năm 2015 (thời điểm ngày 06/01/2015 là 17.570 đồng/lít).

Trước thực tế trên, ngày 25/08/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 11707/BTC-QLG gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.

Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu có xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường nói chung, trong đó có thị trường vận tải bằng xe ô tô nói riêng. Do đó, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.

Bộ Tài chính đề nghị, Bộ Giao thông vận tải với chức năng quản lý giá chuyên ngành chỉ đạo sở giao thông vận tải phối hợp với sở tài chính và các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải.

Đồng thời, thực hiện rà soát chặt chẽ so với mức giá nhiên liệu của kỳ kê khai liền kề trước để hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai giá phù hợp. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải kể cả đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.

Nhiều lý do “né” giảm cước

Điều dễ thấy là các doanh nghiệp vận tải dường như nhạy cảm hơn với giá xăng tăng. Khi xăng dầu điều chỉnh tăng với mức chỉ từ 500-1.000 đồng/lít thì các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là taxi đã lập tức nghĩ đến việc điều chỉnh giá cước.

Ngược lại, khi giá xăng giảm, doanh nghiệp vận tải lại trở nên kém nhạy cảm. Trong khi đó, người tiêu dùng thì vẫn phải chấp nhận giá cước vận tải cao.

Về vấn đề “giá xăng giảm, cước vận tải ra sao?” thì kết quả khảo sát của phóng viên các báo Pháp luật và Xã hội, Dân trí, An ninh thủ đô... trong những ngày gần đây đều nhận định, giá cước vận tải đều “đứng im, cố thủ, lặng thinh, bình chân như vại…” trước việc giá xăng lao dốc.

Đây không phải là điều mới vì cuối năm 2014, đầu năm 2015, xăng dầu liên tiếp giảm giá kỷ lục, nhưng vận tải không giảm cước tương ứng. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã cùng vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kê khai, tính toán lại giá thành và giảm cước vận tải phù hợp. Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập nhưng rồi các doanh nghiệp cũng chỉ đủng đỉnh giảm cước chiếu lệ. Song đến tháng 05 và 06/2015, khi giá xăng tăng, các doanh nghiệp vận tải lại “âm thầm” đưa giá cước lên cao như hiện tại.

Nhận định về tình trạng nói trên, trao đổi với báo Sài gòn giải phóng, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là điều bất bình thường, vì trong vận tải, chi phí xăng dầu chiếm khá cao trong cơ cấu giá thành vận tải (trung bình vào khoảng 25%-35% giá thành tùy theo loại xe hoặc loại hình vận tải). Do đó, sự lên xuống của thị trường xăng dầu tác động rất lớn đến giá cước vận tải.

Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đã hoạt động theo cơ chế thị trường, tự định giá và cạnh tranh nên không chịu sự điều tiết của các bộ, ngành. Vì vậy, có thể hiểu vì sao thời gian vừa qua, giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh, nhưng cước vận tải vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng…

Bên cạnh đó, trả lời báo giới, ông Hồ Quốc Phi, Chánh Văn phòng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cũng cho rằng, giá xăng tăng nhiều, giảm ít, nên các doanh nghiệp vận tải phải tính toán hết sức thận trọng, vì mỗi lần điều chỉnh sẽ rất tốn kém và phức tạp, do phải cài lại đồng hồ tính cước.

Song, đứng về phía người tiêu dùng, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tính toán giá cước hợp lý trong xu hướng giá nhiên liệu liên tục biến động như vừa qua. Nếu giá xăng dầu tăng giảm trên dưới 10% thì các doanh nghiệp nên điều chỉnh giá cước.

Ông Lê Trung Tính cũng nhận định, doanh nghiệp có quyền đưa ra các lý do để giải thích cho mức giá vận tải của mình, vì đây là loại dịch vụ nhà nước không trực tiếp quản lý giá.

Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là, doanh nghiệp muốn đưa ra mức giá bao nhiêu cũng được. Nhà nước đang quản lý giá cước vận tải theo phương thức yêu cầu doanh nghiệp “kê khai và niêm yết giá”.

Qua phương thức này, các cơ quan có thẩm quyền về giá, có thể biết được doanh nghiệp nào có mức giá cước vận tải phù hợp. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh nếu thấy mức giá đưa ra chưa phù hợp.

Nếu doanh nghiệp không điều chỉnh, khi áp thuế cho các doanh nghiệp này, cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước có quyền xuất toán những chi phí không hợp lý.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh chân chính cần có trách nhiệm cao với xã hội, với khách hàng của mình bởi đó là con đường tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu bền. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không sòng phẳng với khách hàng của mình thì các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra những giải pháp phù hợp để xử lý, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp chế tài!

Tham khảo từ các nguồn:

1. http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/nghich-ly-gia-xang-giam-cuoc-van-tai-co-thu-hang-tieu-dung-tang-97028

2. http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-van-tai-co-thu-khong-chiu-giam-gia-cuoc/628588.antd

3. http://www.sggp.org.vn/kinhte/2015/2/375595/