Giá tiêu giao ngay tại Ấn Độ tiếp tục tăng đầu tuần này trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt cũng như giới kinh doanh đã bắt đầu quay trở lại thị trường sau khoảng thời gian dài chờ đợi giá giảm trong vô vọng. Dù giá tiêu trong nước ngày càng được giá, nhưng giá xuất khẩu của Ấn Độ lại đi ngược xu hướng do đồng Rupees (Rs) suy yếu so với đồng đô la Mỹ.

Theo giá cập nhật mới nhất, loại tiêu chưa phân loại tăng 500 Rs lên mức 63.700 Rs/tạ từ mức 63.200 Rs/tạ của cuối tuần trước, còn loại tiêu tiêu chuẩn cũng tăng thêm 500 Rs lên mức 66.700 Rs/tạ so với 66.200 Rs/tấn của cuối tuần trước.

Dù giá giao ngay đã tăng, nhưng giá hợp đồng giao dịch kỳ hạn lại không có gì thay đổi, vẫn giữ sự ổn định trong nhiều ngày liền. Theo đó, giá tiêu đen giao kỳ hạn tháng 9 tại sàn IPSTA duy trì ở mức 68.500 Rs/tạ.

Dù giá tiêu tại thị trường giao ngay trong nước luôn đạt mức tăng tốt, nhưng giá xuất khẩu của Ấn Độ lại có sự điều chỉnh giảm trước sự bất lợi giảm giá của đồng nội tệ trước đồng bạc xanh, nhưng dù thế, các nhà xuất khẩu cũng chẳng mặn mà trong việc chốt hợp đồng mua bán với các đối tác nước ngoài vì họ cũng không có nhiều nguồn cung cấp. Hơn nữa, họ vẫn ưu tiên hơn cho thị trường trong nước vì đang bước vào mùa tiêu thụ cao điểm ở nước này.

Cụ thể, giá chào xuất khẩu sang Mỹ giảm 100 USD xuống còn 10.600 USD/tấn C&F từ mức 10.700 USD/tấn C&F của ngày thứ Sáu tuần rồi. Trong khi đó, chào bán sang châu Âu lại tăng nhẹ 50 USD lên 10.350 USD/tấn C&F từ mức 10.300 USD/tấn C&F.

Trong niên vụ 2014/2015, xuất khẩu hạt tiêu đen Ấn Độ đạt 21.450 tấn về lượng và 1.208 crore về chất, tăng nhẹ về lượng nhưng tăng đến 29% về chất. Hiện tại, giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ cao hơn hẳn các nước xuất khẩu khác, bình quân vào khoảng 10.300 USD/tấn, trong khi các nước xuất khẩu khác giá dao động từ 9.300-9.900 USD/tấn.

Theo Cộng đồng Tiêu quốc tế (IPC) dự báo, sản lượng tiêu của Ấn Độ năm nay vào khoảng 70.000 tấn, nhưng hai bang sản xuất tiêu chủ đạo của cả nước là Karnataka và Kerala cho năng xuất rất thấp và hầu như đã thu hoạch xong.

Sự khan hiếm nguồn cung tiêu đã buộc Cơ quan đo lường và an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) buộc phải phóng thích lô hàng 6.300 tấn mà họ đã bắt giữ từ 3 năm trước để xuất khẩu cho các nước vùng Trung Đông do khan hiếm.

Trong khi đó, tình hình sản xuất tại Brazil cũng được dự báo là cho sản lượng kém. Hiện chỉ còn trông chờ vào Indonesia có thể bù đắp được phần nào sự thiếu hụt nguồn cung vì mùa vụ tiêu năm nay của nước này cao hơn 20% so với mức 35.000-40.000 tấn của niên vụ trước. Do vậy, giá được dự báo còn tăng 10-15% trong tháng tới.

Giá chào bán của một số nước khu vực sang Ấn Độ cũng điều chỉnh tăng-giảm khác nhau do biến động tỉ giá ở các nước so với đồng USD.

Indonesia chào bán tiêu loại Lampong Asta với mức giá 10.000 USD/tấn FOB tính đến cuối tuần rồi, giảm từ mức 10.250 USD/tấn FOB của ngày thứ Năm. Tiêu Asta Việt Nam chào giá tăng lên 10.200 USD/tấn FOB từ mức 10.150 USD/tấn FOB. Tiêu Asta của Brazil chào bán ở mức 9.450 USD/tấn FOB, giảm 50 USD/tấn.

Việc Indonesia và Brazil điều chỉnh hạ giá chào xuất khẩu là do đồng Rupiah của Indonesa và đồng Real của Brazil yếu hơn so với đồng USD. Còn lý do Việt Nam tăng giá chào bán là do giá trong nước đang ấm lên.

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng hiện tại nguồn hàng dự trữ của Việt Nam hầu như đã cạn kiệt. Sản lượng tiêu của Việt Nam trong năm nay thấp hơn so với dự kiến dẫn đến giá tăng nhiều tại thị trường trong nước.

Tuần trước, giá tiêu đen Việt Nam được bán ở mức 196.000 VND/kg, trong khi tuần trước chỉ 188.000 VND/kg, thậm chí vào cuối tuần giá nhích lên 197.000 VND/kg. Còn giá tiêu trắng thì không có gì thay đổi, vẫn duy trì ở mức 261.000 VND/kg.

Đến sáng 26/8, giá tiêu một số nơi tại Việt Nam có sự chênh lệch 4.000-5.000 VND/kg. Tại Bà Rịa, giá tiêu đứng ở mức 200.000 VND/kg, trong khi ở Gia Lai, giá tiêu đứng ở mức 195.000 VND/kg. Tại Đắk Lăk - Đắk Nông giá là 196.000 VND/kg và tại Bình Phước giá vẫn ổn định ở mức 198.000 VND/kg. Như vậy, so với cuối tuần trước giá tiêu đã tăng thêm 1.000 VND/kg.

Với giá trong nước tăng sẽ hỗ trợ cho giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt 88.523 tấn các loại, trong đó giá tiêu đen bình quân 8.860 USD/tấn và tiêu trắng là 12.683 USD/tấn, mức kỷ lục chưa từng có những năm trước đó. Dự báo giá tiêu xuất khẩu 6 tháng cuối năm chắc chắn sẽ vượt mức 9.000 USD/tấn, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu đang tăng mạnh từ quốc gia láng giềng Trung Quốc cộng với sự khan hiếm nguồn cung hiện nay.

Hồ tiêu giữ giá ở mức cao đang khiến bà con nông dân trồng hồ tiêu phấn khởi, đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại hàng hóa nông sản khác giảm giá mạnh như mía đường, cà phê, cao su,…/.