Trong đó, hợp đồng bắp giao kỳ hạn tháng 12 đã giảm 4,5 cent, tương đương 1,15%, xuống còn 3,86 USD/giạ (20-22kg), lúa mì giao kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 6,5 cent, tương đương 1,31%, còn 4,8825 USD/giạ và đậu tương giao kỳ hạn tháng 11 mất 1,75 cent, tương đương 0,20%, còn 8,6725 USD/giạ.

Theo báo cáo từ Cơ quan dịch vụ nông nghiệp (FSA) của Mỹ, diện tích gieo trồng lúa mì của nông dân đầu tháng 9 là 51,1 triệu mẫu, diện tích trồng đậu tương là 80,5 triệu mẫu và diện tích trồng bắp là 84,1 triệu mẫu. Như vậy, báo cáo mới nhất từ FSA cho thấy diện tích trồng lúa mì, đậu tương và bắp đã tăng thêm lần lượt 500.000 mẫu, hơn 5 triệu mẫu và hơn 3 triệu mẫu so với con số dự báo hồi tháng 8 cơ quan này đã đưa ra.

Mặt khác, giá cả các loại hàng hóa trên giảm trong phiên giao dịch hôm qua cũng là do áp lực thanh khoản yếu, cộng với báo cáo về sự mất đối xứng cung-cầu.

Lúa mì

Giá lúa mì giảm phiên thứ hai liên tiếp do những lo ngại về nhu cầu ảm đạm, trong khi nguồn cung dồi dào và kém cạnh tranh.

Những tháng gần đây, đồng đô la Mỹ mạnh lên khiến cho lúa mì của Mỹ ít hấp dẫn đối với người mua nước ngoài, thay vào đó người mua nước ngoài có thể tìm đến những nguồn cung có giá rẻ hơn từ châu Âu và Biển Đen.

Theo báo cáo, lượng lúa mì tồn của Mỹ có khả năng sẽ lên đến 900 triệu giạ, thậm chí cao hơn vào cuối mùa vụ năm sau (8/2016), đánh dấu lượng tồn cao nhất trong những năm gần đây do những dự báo về thời tiết có mưa ở các vùng trồng lúa mì của Mỹ mang đến độ ẩm cần thiết cho đất trước khi người nông dân gieo hạt cho vụ đông.

Chưa kể thông tin thị trường tiền tệ và kinh tế toàn cầu đang có những biến động khôn lường sẽ còn ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng này, đặc biệt là Trung Quốc.

Bắp

Giá bắp cũng bước qua ngày giảm thứ hai bởi báo báo về các cánh đồng bắp cho năng suất cao hơn kỳ vọng ở vành đai trồng bắp miền tây, nơi đang được hưởng khí hậu nắng ráo, thuận lợi cho việc tăng trưởng của cây bắp.

Đầu tháng này, giá bắp đã có 6 ngày tăng liên tiếp sau khi đón nhận tin tức không mấy tích cực ở khu vực vành đai phía đông do mưa lớn trong tháng 6, khiến chất dinh dưỡng trong đất bị trôi hết và sâu bệnh phát tán.

Theo dự báo của Bộ nông nghiệp Mỹ, sản lượng bắp của Mỹ bình quân vào khoảng 167,5 giạ/mẫu, giảm 1,3 giạ so với dự báo trước đó trong tháng 8. Lượng bắp tồn kho của nước này trong niên vụ 2015/2016 cũng vào khoảng 121 triệu dạ.

Đậu tương

Cũng theo ước tính từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng đậu tương tồn kho đến cuối niên vụ 2016 (8/2016) sẽ là 450 triệu dạ, cao hơn 35 triệu dạ so với ước tính của các chuyên gia phân tích.

Tại Việt Nam, nhập khẩu lúa mì trong tháng 8/2015 đạt 263.000 tấn, nâng tổng khối lượng nhập khẩu lúa mì trong 8 tháng đầu năm 2015 lên 1,61 triệu tấn, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Thị trường nhập khẩu lúa mì chính của Việt Nam là Úc, chiếm 56,4%.

Còn nhập khẩu đậu tương của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 1,13 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Giá đậu tương nhập khẩu từ Nam Mỹ chào bán tại cảng Vũng Tàu có giá 9.100 VND/kg, và giá chào bán tại cảng Hải Phòng đứng ở mức 9.200 VND/kg.

Trong khi ngô nhập khẩu trong tháng 8/2015 của Việt Nam đạt 537.000 tấn. Tổng khối lượng nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2015 đạt 4,14 triệu tấn, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2014.

Việt Nam nhập khẩu ngô chủ yếu từ Brazil và Achentina, với tỷ lệ lần lượt là 50,1% và 43,9%.

Hiện giá ngô nhập khẩu từ Nam Mỹ chào bán tại cảng Vũng Tàu là 4.950 VND/kg. Còn tại cảng Hải Phòng là 5.150 VND/kg.

Dù là nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải bỏ ra khoảng 4 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN). Theo các chuyên gia, đây là một nghịch lý và nghịch lý này còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, Việt Nam sản xuất trên 15 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với sản lượng trên 15 triệu tấn, ngành sản xuất TACN công nghiệp Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và xếp 12 thế giới.

Tuy nhiên, để có sản lượng thức ăn chăn nuôi trên, Việt Nam phải nhập khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu, tốn hàng tỷ USD. Trong số nguồn nguyên liệu nhập về, khô dầu đậu tương, ngô, lúa mì, bột xương, bột cá…là chủ yếu.

Lãnh đạo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho hay, thức ăn chăn nuôi công nghiệp có khoảng 20 thành phần, trong đó thành phần chính là khô dầu đậu tương và ngô. Tuy nhiên, sản lượng đậu tương trong nước để làm thức ăn chăn nuôi gần như bằng không. Với khoảng 3,5-4 triệu tấn ngô được đưa vào chế biến thức ăn chăn nuôi, khoảng 1 triệu tấn cám, 1,5 triệu tấn sắn... chỉ đáp ứng được khoảng 45-50% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp./.