Theo số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong số các nhóm nguyên liệu nhập khẩu ngành dệt may như: xơ, sợi dệt, vải, bông thì mặt hàng bông đang có sự gia tăng đột biến.

Hiện tại, Mỹ và Ấn Độ sẽ là hai quốc gia cung ứng bông chính cho toàn thế giới còn Trung Quốc và Việt Nam là nhà nhập khẩu bông lớn của thế giới. Giá bông giao kỳ hạn tại sàn New York giảm lại vào ngày 24/9.

Chốt phiên, giá bông giao tháng 12 đóng cửa ở mức 60,18 cent/pound, thấp hơn 0,13 cent so với giá đóng cửa ngày 23/9. Thị trường giao dịch ảm đạm trước sự quan ngại về tình hình tiêu thụ bông trên thế giới sa sút, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước sự bất ổn, giá dầu thô lại xuống thấp khiến bông kém cạnh tranh hơn so với mặt hàng sợi nhân tạo.

Trung Quốc, một trong những quốc gia tiêu thụ bông lớn nhất thế giới, nhưng nhập khẩu bông của nước này trong tháng 8 bất ngờ giảm mạnh. Số liệu thống kê từ trang Cncotton.com cho thấy, Trung Quốc nhập chỉ 70.000 tấn bông trong tháng 8/2015, mức nhập theo tháng thấp nhất kể từ năm 2005.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nhập khẩu bông giảm là do kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khó khăn, dẫn đến nhu cầu yếu đi, nhưng một số khác cho rằng nhập khẩu giảm là do Trung Quốc có lượng bông dự trữ lớn và chính phủ đang xả hàng.Keith Brown,chuyên gia môi giới bông tại Georgia, nói rằng: "Ngay từ đầu năm nay Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu và tình hình có vẻ như sẽ nghiêm trọng hơn do kinh tế đang trong thời kỳ nhạy cảm”.Hơn nữa, giá mặt hàng sợi tổng hợp đang rất rẻ nhờ được hưởng lợi từ giá dầu thô thấp, khiến bông tự nhiên không còn là lựa chọn ưu tiên.

Theo các nguồn tin khác, việc Trung Quốc hạn chế ngạch nhập khẩu bông là để khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tăng sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ nội địa. Hiện chính phủ đang rút ra một lượng lớn bông dự trữ, ước tính 11 triệu tấn để bán. Chính phủ dự trữ bông với mục đích trợ giá cho người nông dân, và cũng để trợ lực cho ngành công nghiệp bông trong nước.

Dù Chính phủ đã tổ chức nhiều đợt đấu giá bông dự trữ, nhưng các đầu mối tiêu thụ trong nước khá thờ ơ, chỉ có 3% trong tổng số lượng chào bán của chính phủ được bán ra. Chính phủ Trung Quốc cũng khá thận trọng về giá cả vì bất kỳ việc nâng giá nào cũng đều kích động thị trường, đe dọa các nhà sản xuất trong nước.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra dự báo về nhập khẩu bông của Trung Quốc trong năm 2015/2016 vào khoảng 5,75 triệu kiện (1,25 triệu tấn), giảm 31% so với niên vụ 2014/2015 và cũng là mức thấp nhất kể từ 2002. USDA cũng dự báo về triển vọng tiêu thụ bông của Trung Quốc trong niên vụ 2015/2016 tăng 0,5 triệu kiện lên 34,5 triệu kiện. Còn về tiêu thụ bông toàn cầu trong niên vụ 2015/16, USDA hạ dự báo xuống 113,44 triệu kiện, thấp hơn 1,21 triệu kiện so với dự báo trước đây. Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ là những quốc gia giảm tiêu thụ nhiều nhất trong mùa vụ mới. Cũng theo USDA, lượng bông tồn kho trên thế giới trong niên vụ 2015/2016 sẽ tăng 1,21 triệu kiện lên 106,16 triệu kiện, và giá bông bình quân trên thế giới sẽ giảm 2 cent còn 56-58 cent/pound.

Tại Việt Nam, nhập khẩu bông trong 7 tháng đầu năm 2015 khoảng 632.000 tấn với 1,007 triệu USD, tăng 41.7% về lượng và 12.7% về chất so với 7 tháng đầu năm 2014. Riêng trong tháng 7/2015, nhập khẩu là 95.000 tấn, trị giá 151 triệu USD, giảm 1.0% về lượng và 2.6% chất so với tháng 6. Giá bông nhập khẩu trung bình của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm là 1,593 USD/tấn, giảm 20.6% so với cùng kỳ 2014.

Ủy ban tư vấn bông quốc tế (ICAC) cho biết Việt Nam là một trong ba quốc gia nhập khẩu bông lớn nhất thế giới. Theo ước tính niên vụ 2015/2016, Việt Nam sẽ nhập khoảng 927.000 tấn, tăng 6% so với niên vụ 2014/2015.

Việt Nam nhập khẩu bông chính từ Mỹ, Ấn Độ, và Úc. Lý do chính là vì Việt Nam chưa tập trung vào phát triển trồng cây bông và vì Việt Nam không có ưu thế tự nhiên về việc trồng loại cây công nghiệp này.

Cũng theo ICAC, diện tích trồng bông trong niên vụ 2015/2016 trên toàn thế giới sẽ thu hẹp 7% xuống còn 31,3 triệu héc ta. Trong đó, diện tích bông ở Trung Quốc giảm 12% còn 3,8 triệu héc ta và sản lượng bông giảm xuống 5,4 triệu tấn từ 6.88 triệu dự báo trong tháng 7. Mùa vụ 2014/201 sản lượng bông Trung Quốc là 6,53 triệu tấn.Diện tích trồng bông của Trung Quốc giảm là do nông dân nước này chuyển một phần đất sang trồng những loại cây khác sau khi chính phủ cải cách chương trình trợ giá, trong đó ngô (bắp) được chính phủ ưu tiên hơn cả nhằm đảm bảo giá loại nông sản này luôn cao hơn so với mặt bằng thế giới.

Hôm thứ Tư vừa rồi, Hiệp hội bông Trung Quốc cũng hạ dự báo về triển vọng sản lượng bông trong nước trong mùa vụ tới chỉ ở mức 5,5 triệu tấn, thấp hơn so với mức dự báo trước đó là 5,86 triệu tấn và thấp hơn khoảng 15% so với sản lượng niên vụ 2014/2015.

Còn diện tích trồng bông của Ấn Độ trong niên vụ mới sẽ thu hẹp 5% xuống 11,6 triệu héc ta và Mỹ thu hẹp 15% còn 3,3 triệu héc ta. Nguyên nhân là do giá bông thế giới thấp và sự bất lợi của các điều kiện thời tiết. Mỹ và Ấn Độ sẽ là hai quốc gia cung ứng bông chính cho toàn thế giới trong niên vụ 2015/2016. Với Mỹ khoảng 2,3 triệu tấn và Ấn Độ khoảng 1-1,2 triệu tấn. Sản lượng bông của Ấn Độ và Mỹ cũng được dự báo giảm 2% và 14% trong mùa vụ mới xuống lần lượt còn 6,4 triệu tấn và 3 triệu tấn./.