Xuất khẩu thép đang gặp nhiều khó khăn

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ trong vòng tháng 09/2015, ba thị trường Đông Nam Á là: Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép Việt Nam.

Cụ thể: chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 09/2015, Thái Lan đã liên tiếp đưa ra ba vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn, thép các loại nhập từ Việt Nam. Việc Thái Lan đẩy nhanh vụ kiện chống bán phá giá khiến nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam lo lắng trước nguy cơ mất thị phần xuất khẩu nhãn tiền.

Bên cạnh đóthép cuộn cán nguội của Việt Nam thuộc nhóm bị điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Quốc tế và và Công nghiệp Malaysia.

Vào đầu tháng 09/2015, mặt hàng thép cuộn cán nguội Việt Nam cũng bị đưa vào diện kiểm tra, rà soát chống bán phá giá của Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia.

Thực tế cho thấy, các thị trường khu vực, như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang tiêu thụ tới 50% lượng tôn, thép xuất khẩu của Việt Nam (Biểu đồ).

Biểu đồ: Cơ cấu thị trường xuất khẩu của thép Việt Nam

Thực tế, nhiều thị trường đã tìm cách bảo hộ sản phẩm thép nội địa thông qua các rào cản phi thuế quan. Trong đó, điều tra áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng thép nhập khẩu là cách được các nước tích cực áp dụng. Theo Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương Việt Nam), giai đoạn 1994-2014, thép là mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất, chiếm 29% tổng số vụ. Riêng năm 2014, thép Việt Nam đối mặt với 4 vụ kiện chống bán phá giá.

Không chỉ ở khu vực, thép Việt Nam cũng bị nhiều nước trên thế giới điều tra chống bán phá giá. Trong 5 năm (2010-2015) trở lại đây, tại thị trường Mỹ, thép Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tới 5 vụ và chỉ duy nhất 1 vụ điều tra liên quan đến sản phẩm ống thép cacbon là cho kết quả có lợi cho doanh nghiệp Việt. Mỹ đã lui về xếp gần cuối bảng danh sách các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, với mức đóng góp rất mờ nhạt: 2,8% giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Tương tự, kể từ sau khi áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép cuộn không gỉ của Việt Nam ở mức 35,6% (từ ngày 10/05/2013 và sẽ kéo dài trong 3 năm), Brazil không còn nằm trong nhóm các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nữa. Một số công ty có thị trường quan trọng là Brazil hay Mỹ như Công ty Quốc tế Sơn Hà đã phải tìm cách chuyển hướng thị trường.

Cách nào để lấy lại thị phần xuất khẩu?

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, nguyên nhân khiến cho sản phẩm thép trở thành đối tượng thường bị điều tra chống bán phá giá là do, thép cũng là mặt hàng bị "soi" nhiều vì là ngành công nghiệp cơ bản, các nước đều muốn phát triển, đồng thời bảo hộ sản xuất.

Dẫn lời GS. Nguyễn Thị Mơ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương trên Báo Doanh nhân Sài gòn, phần lớn doanh nghiệp bị điều tra bán phá giá là do chưa am hiểu pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu. Một rủi ro nữa, doanh nghiệp ký hợp đồng rất sơ sài và thường không sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Doanh nghiệp mới chỉ thỏa mãn một số điều khoản cơ bản, như yên hàng, số lượng, giá cả... và hầu hết đều bỏ qua những điều khoản phạt hay bồi thường thiệt hại.

Ngành thép của Việt Nam phát triển quá nóng nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia “cuộc chơi toàn cầu”, cạnh tranh với thép ngoại vẫn là yếu tố giá thành sản xuất.

Hiện tổng công suất thiết kế của toàn ngành thép khoảng 10 triệu tấn/năm, nhưng phần lớn doanh nghiệp thép có quy mô vừa và nhỏ, năng lực quản lý chưa tốt, chi phí sản xuất cao do công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu. Các công cụ bảo vệ thị trường nội địa còn kém.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, đối với doanh nghiệp thép, để có thể cạnh tranh và hoạt động hiệu quả cần phải nâng cao hiểu biết về thông lệ quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh về sản phẩm, nhằm đáp ứng ứng được những điều kiện về chống bán phá giá. Bên cạnh đó, cần đầu tư mở rộng kênh bán hàng cũng như quản lý chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh./.

Tham khảo từ các nguồn:

1.http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/phan-tich/duong-xuat-khau-thep-bi-chan-3286251/#ixzz3nNZSmiXF

2. http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/vi-sao-thep-viet-lien-tuc-bi-dieu-tra-chong-ban-pha-gia/1091418/

3. http://vtv.vn/kinh-te/thep-viet-nam-bi-kien-ban-pha-gia-va-nhung-nguy-co-nhan-tien-20150930151122279.htm