Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 9 tháng đầu năm đạt 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (32,2%), cao su (13,7%) và gạo (15,7%).

Lý giải tình trạng xuất khẩu liên tục sụt giảm, theo ông Trần Quốc Tuấn, Quyền Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng 9 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 năm 2015 vào ngày 06/10, nguyên nhân chính là bởi từ đầu năm, đồng USD tăng giá, hối đoái của một số ngoại tệ mạnh, đặc biệt là đồng Euro biến động theo hướng không thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thêm vào đó, nguồn cung các mặt hàng nông sản tăng, lượng tồn kho cao ở nhiều nước trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta, như: Mỹ, EU, Nhật Bản... đều giảm nhu cầu nhập khẩu và tăng cường rào cản kỹ thuật, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe đối với nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 10 và cả quý IV/2015 của Bộ là tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp; phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp theo dõi sát tình hình sản xuất, thị trường nông, lâm, thủy sản để đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng trọng yếu.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang Ấn Độ, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan… nhằm khảo sát, tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc trong xuất khẩu và mở cửa thị trường; rà soát quá trình sản xuất, chế biến theo từng chuỗi, từng sản phẩm và đề xuất các chính sách phù hợp để nâng cao giá trị sản phẩm...

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, cũng không phủ nhận được rằng, việc Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết phúc đàm phán vào ngày 05/10 vừa qua và sắp ký kết sẽ đem lại nhiều cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp nói chung, cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng.

Trước hết, TPP chính thức ký kết sẽ mở ra thị trường mới rộng mở hơn, giúp Việt Nam điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu lĩnh vực nông nghiệp. 11 quốc gia còn lại trong TPP sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm tới 35% tổng giá trị trị xuất khẩu mặt hàng này; cao su chiếm tới 48% tổng giá trị xuất khẩu và rau quả chiếm tới 64% tổng giá trị xuất khẩu… Các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng có tới 62,5% nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khi TPP có hiệu lực hầu hết các mặt hàng nông sản đã giảm thuế xuất khẩu xuống hơn 90% và có mặt hàng xuống 0%. Chỉ một thời gian ngắn nữa, toàn bộ thuế suất xuất khẩu các mặt hàng nông sản sẽ về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam có lợi thế, như: đồ gỗ, thủy sản… Như vậy, TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mạnh mẽ./.