Báo cáo công bố kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia và cả người tiêu dùng về biểu giá điện sinh hoạt của EVN nêu rõ, hội thảo lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện do EVN tổ chức tại 3 miền đã có 27 ý kiến tham luận đưa ra. Trong đó, có có 9 ý kiến của chuyên gia và 18 ý kiến của đại diện các sở công Thương, sở tài chính, hội nông dân, hội phụ nữ các tỉnh, thành phố và đại diện cơ quan truyền thông báo chí.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, phương án giữ nguyên biểu giá điện 6 bậc như hiện nay sẽ không làm xáo trộn biểu giá điện và biểu giá điện hiện tại thực hiện được chính sách tiết kiệm. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá của một số bậc chưa thật sự hợp lý. Điều này dẫn đến có những khoảng thời gian trong năm, nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao vào mùa nóng, tốc độ tăng tiền điện tăng cao hơn tốc độ tăng sản lượng tiêu thụ điện.

Về phương án đồng giá, theo EVN, chỉ có 1 ý kiến đồng ý với biểu giá điện này, tương đương với 3,7% tổng số ý kiến tham gia góp ý. Đại biểu này cho rằng, phương án đồng giá dễ áp dụng, dễ kiểm tra và bình đẳng. Người dùng điện ít sẽ trả ít tiền, ai dùng nhiều thì trả nhiều. Tuy phương án có nhiều khuyết điểm, nhưng đại biểu này cho rằng cần cải cách một lần đồng giá như Singapore đã làm.

Đáng chú ý, có đến 96,29% số đại biểu tham gia góp ý lựa chọn phương án biểu giá điện rút về 3- 4 bậc. Các đại biểu cho rằng, tuy phương án này vẫn còn những nhược điểm nhưng đã khắc phục được phần lớn nhược điểm của 2 phương án trên, đồng thời cũng thỏa mãn được các tiêu chí giá điện theo Luật Điện lực, tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện tốt hơn.

Tuy nhiên, việc lựa chọn 1 trong 5 kịch bản của phương án 3 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đó, có khá nhiều ý kiến lựa chọn kịch bản 5, tức biểu giá điện 4 bậc thang. Với kịch bản biểu giá điện 4 bậc thang, các đại biểu đề nghị cần xác định rõ khoảng cách giữa các mức giá giữa các bậc thang ở mức hợp lý, không để quá xa.

Một mặt, EVN cần hạn chế đến mức thấp nhất việc dồn bậc làm tác động tăng giá cụ thể ở các bậc đối với các hộ tiêu dùng điện ít, trung bình và giảm giá đối với các hội tiêu dùng nhiều điện. Ngoài ra, các đại biểu kiến nghị tiếp tục nghiên cứu chênh lệch giữa các mức giá của các bậc thang sử dụng điện hợp lý hơn.

Cụ thể, góp ý về phương án giá điện tại hội thảo "Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán bán lẻ điện" ở phía Bắc tổ chức vào ngày 22/09/2015, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, không nên giới hạn bậc số điện vì hiện nay xã hội cũng được phân theo nhiều mức sống khác nhau. Đồng tình với phương án tính giá điện theo biểu giá điện 6 bậc lũy tiến nhưng ông Long cho rằng cần phải xem xét lại. Nguyên nhân là do hai bậc đầu giá điện có giảm so với bình quân, nhưng từ bậc 3-6, giá điện lại tăng gần 50% so với giá bình quân.

“Phần lớn các nước trên thế giới đều sử dụng tính điện theo bậc thang lũy tiến. Còn nhiều ý kiến cho rằng, nhược điểm khi tính giá điện 6 bậc phức tạp, khó khăn trong việc tính toán thì có thể đưa vào phần mềm máy tính. Tuy nhiên, EVN nên điều chỉnh sao cho hệ số theo phân khúc giảm bớt đi, nghĩa là giá từng bậc so với giá bình quân thấp hơn hiện hành”, ông Long đề xuất.

Ông Trần Đình Thiên thì cho rằng, EVN nên giữ nguyên cách tính giá điện bậc thang, nhưng dùng khoảng 3-4 bậc, không nên duy trì quá nhiều bậc, nên giãn khoảng cách giữa các bậc, đảm bảo không quá nhảy cóc sẽ có lợi cho người tiêu dùng và không thiệt cho EVN.

Đồng ý phương án tính biểu giá điện theo lũy tiến bậc thang nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu ý kiến, việc giữ nguyên 6 bậc hay rút ngắn về bao nhiêu là phù hợp phải phụ thuộc vào nghiên cứu của các chuyên gia và người làm chính sách nhưng EVN không nên rút ngắn quá ít các bậc thang. Việc điều chỉnh cần ổn định, có tính lâu dài, đỡ xáo trộn bởi khi có bất cứ điều chỉnh giá điện sẽ liên qua đến hàng loạt giá sản phẩm kéo theo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết giá điện lực cho biết, dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều về từng phương án điều chỉnh giá điện mới nhưng phần lớn ý kiến tại hội thảo đều thống nhất cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến.

Một số ý kiến khác lại đề nghị giãn khoảng cách giữa các bậc thang, trong khi một số ý kiến đề xuất cụ thể thay đổi mức sản lượng bậc thang đầu tiên là 0-100kWh/tháng thay vì 0-50kWh/tháng như hiện nay.

Kế hoạch tiếp theo, EVN sẽ họp với Cục Điều tiết điện lực và đơn vị tư vấn tiếp tục lắng nghe ý kiến của công chúng để hoàn thiện cơ cấu biểu giá bán lẻ trong tháng 10/2015. Sau khi tổng hợp toàn bộ các ý kiến, EVN sẽ báo cáo Bộ Công Thương để Bộ tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị liên quan, tổng hợp các dự thảo báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ để cải tiến biểu giá điện bán lẻ./.