Đây là nội dung xuyên suốt của buổi họp báo về tình hình triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) của Tổng cục Du lịch tổ chức vào chiều ngày 22/10/2015, tại Hà Nội.

Năm 2015 là mốc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Chính vì vậy, triển khai MRA-TP nhằm mục tiêu tạo điều kiện dịch chuyển lao động du lịch trong ASEAN, tạo ra nền tảng chung về kiến thức và kỹ năng nghề du lịch để người lao động có thể làm việc ở mọi nơi trong ASEAN.

Đối tượng của MRA-TP là các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và người lao động trong ngành du lịch. Để triển khai thực hiện MRA-TP sẽ cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn nghề chung, giáo trình đào tạo, thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia, Ban chứng nhận nghề du lịch, Ủy ban giám sát nghề du lịch, Hệ thống đăng ký nghề du lịch…

Theo kế hoạch, thỏa thuận MRA-TP trong ASEAN sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2013; trong năm 2014 sẽ phát động thực hiện và hỗ trợ triển khai; và năm 2015 sẽ áp dụng chính thức.

Để triển khai thực hiện thỏa thuận này, hiện Tổng cục Du lịch với sự hỗ trợ của Dự án EU đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc xây dựng Sổ tay hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về các nghề du lịch. Cuốn sổ tay đã được thông qua trong phiên họp các bộ trưởng du lịch ASEAN, diễn ra tại Lào vào giữa tháng 1/2013 và cung cấp tới toàn bộ các nước thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đang làm tài liệu hướng dẫn cho nhân viên, nhà tuyển dụng và các cơ sở đào tạo trong ngành du lịch nhằm giải đáp các câu hỏi về cách thực hiện thỏa thuận này, yêu cầu, ý nghĩa đối với nhân viên và nhà tuyển dụng trong ngành du lịch.

Thỏa thuận này là một động lực quan trọng trong việc nâng cao tiêu chuẩn của du lịch và nâng cao trình độ kỹ năng nghề của lực lượng lao động du lịch trong khối ASEAN.

Tại buổi họp báo, ông Trần Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết, trong khu vực, sau khi hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN cho 6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất là: lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch và đại lý lữ hành, ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) để tổ chức triển khai MRA-TP.

Hiện nay, ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố đảm bảo cho MRA-TP có hiệu lực và có thể chính thức áp dụng vào đầu năm 2016.

Tham gia vào quá trình này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm thành viên như việc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Công hàm gửi Tổng thư ký ASEAN thông báo việc giao cho Hội đồng cấp chứng chỉ nghề Du lịch (VTCB) thực hiện chức năng của 2 tổ chức Hội đồng ngành Du lịch và Hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề du lịch như yêu cầu của MRA-TP…

Theo ông Hà Văn Siêu, MRA-TP mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ngành du lịch Việt Nam trước nhiều thách thức mới, để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người lao động thông qua việc tăng cường các hoạt động quản lý phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tự đào tạo, củng cố nội lực, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch, đồng thời có các chính sách thu hút và giữ nhân tài trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ của khu vực ASEAN.

Thông tin về Hệ thống Tiêu chuẩn nghề du lịch và giáo trình đào tạo nghề du lịch chung ASEAN, sách hướng dẫn triển khai MRA-TP được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch, địa chỉ: http://vietnamtourism.gov.vn./.