Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa phát hành báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong đó :

1.Xuất khẩu gạo Việt Nam theo chủng loại và nơi xuất khẩu

2. Hạn ngạch xuất khẩu gạo hàng tuần theo chủng loại

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 3,8 triệu tấn, trị giá FOB gần 1,6 tỷ USD và trị giá CIF hơn 1,6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2014, cả nước xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn, trị giá FOB hơn 1,8 tỷ USD và trị giá CIF hơn 1,9 tỷ USD. Như vậy, tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 4 triệu tấn, chủ yếu giảm lượng xuất khẩu đến hai thị trường truyền thống của Việt Nam là Châu Á và Châu Mỹ do nhu cầu tại các thị trường này bị giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, giá gạo Việt Nam cũng bị “rớt”. Cụ thể: giá gạo Việt 5% tấm trung bình trong 9 tháng đầu năm là 350 USD/tấn (FOB) so với 400 USD/tấn, giảm 14,5% năm 2014. Giá gạo Việt 25% tấm trung bình trong 9 tháng đầu năm là 332 USD/tấn (FOB) so với 376 USD/tấn, giảm 11,7% năm 2014.

Theo các số liệu thống kê, trong 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Pakistan), Việt Nam hiện là nước duy nhất bị sụt giảm cả về số lượng lẫn giá trị xuất khẩu gạo so với cùng kỳ năm ngoái như vậy.

Lý giải điều này là xuất khẩu gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới, nên khó giữ vững sức cạnh tranh với 4 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới còn lại nói trên.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 đạt 6,3 triệu tấn (bằng với năm 2014), còn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 đạt tới 6,7 triệu tấn. Tuy nhiên, trước tình hình xuất khẩu gạo không mấy khả quan trong 9 tháng đầu năm, VFA vừa công bố hạ dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 xuống 5,91 triệu tấn, giảm 6,5% so với dự báo từ đầu năm.

Nửa đầu tháng 10/2015, các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam có những dấu hiệu chuyển biến đi lên. Điển hình nhất là Việt Nam vừa thắng thầu hợp đồng cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines (trong tổng số 750.000 tấn) và khoảng 1 triệu tấn gạo cung cấp cho thị trường Indonesia. Như vậy, theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo Việt Nam vào những tháng cuối năm sẽ khởi sắc và tăng trưởng ổn định hơn, tình hình có thể kéo dài đến quý I/2016.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2): “Sang quý 4, thị trường gạo bắt đầu khởi sắc và có phần sôi động, từ nay cho tới những tháng đầu năm 2016 có thể nói là lạc quan.”