2 tháng: ngân sách thất thu 42 tỷ đồng bởi thép Trung Quốc

Gần đây, nhiều báo đưa tin về sự quan ngại đối với thép Việt, như: “Sắt thép Trung Quốc vẫn ồ ạt vào Việt Nam”, “Doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiểu xảo xuất khẩu thép dư thừa vào Việt Nam”, “Phôi thép Trung Quốc bị nghi gian lận”...

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 6,7 triệu tấn sắt thép, trị giá xấp xỉ 3,15 tỷ USD. Riêng lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam đã lên tới 1,135 triệu tấn, tăng 290% so với cùng kỳ, trong đó phôi thép Trung Quốc chiếm tới trên 75% với giá nhập khẩu rẻ hơn 35%-45% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), một “tiểu xảo” mới mà doanh nghiệp Trung Quốc đang sử dụng là đưa nguyên tố Crom vào một số sản phẩm thép để vừa hưởng lợi hoàn thuế xuất khẩu 13% vừa tăng lượng thép xuất khẩu.

Về bản chất, phôi thép chứa hàm lượng rất nhỏ crom sẽ không khác biệt gì với phôi thông thường và vẫn dùng để cán thép xây dựng.

Tuy nhiên, sản phẩm có chứa nguyên tố hợp kim này khi nhập vào Việt Nam ngoài được Trung Quốc hoàn thuế còn được được hưởng thuế suất 0% nên có giá bán thấp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành thép trong nước.

Lợi dụng kẽ hở trong quy định tiêu chuẩn thép hợp kim, cũng như chính sách ưu đãi về thuế: Đối với nước xuất khẩu xuất khẩu thép hợp kim được hưởng thuế xuất khẩu bằng 0% và được hoàn thuế 9%; còn với nước nhập khẩu như Việt Nam thì thuế nhập khẩu với thép hợp kim là 0%, trong khi thuế nhập khẩu các loại khác cao hơn nhiều (5% với thép cuộn, thép hình và 10%-18% với thép thanh), các doanh nghiệp Trung Quốc đã pha trộn rất nhỏ nguyên tố Bo vào thép xuất khẩu sang Việt Nam để được hưởng thuế suất 0%.

VSA tính toán, việc khai không trung thực mã hàng hóa để được hưởng thuế 0% trong 2 tháng (tháng 8 và tháng 9/2015) của các doanh nghiệp nhập khẩu đã khiến ngân sách nhà nước thất thu 1,89 triệu USD, tương đương khoảng 42 tỷ đồng.

“Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả đơn vị sản xuất thép cán sẽ khó có khả năng đứng vững trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xuất khẩu do nhu cầu trong nước bước vào giai đoạn suy giảm”, Hiệp hội thông tin.

Trong khi đó, hiện công suất sản xuất phôi thép trong nước đạt gần 11 triệu tấn, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất được khoảng 60% công suất.

Các doanh nghiệp sản xuất phôi thép cũng phản ánh, giá nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc hạ thấp nhất từ trước tới nay. Cụ thể, phôi thép nhập khẩu còn 260 - 280 USD/tấn, so với một năm trước, mức giá này đã giảm đến 45%, mức giảm kỷ lục của nguyên liệu thép từ trước đến nay.

Hiện năng lực sản xuất thép của Trung Quốc trên 1 tỷ tấn/năm, nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng 700 triệu tấn, buộc phải tìm mọi cách “đẩy” 300 triệu tấn thép dư thừa ra thế giới.

Năm 2014, Trung Quốc xuất khẩu 93,9 triệu tấn thép, riêng thị trường ASEAN tiêu thụ tới 64,4 triệu tấn, trong đó Việt Nam 6,6 triệu tấn. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực (tháng 1/2010), các sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc đã gây tổn thương đáng kể cho thị trường thép ASEAN. Do phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà máy sản xuất thép ASEAN luôn chỉ đạt công suất dưới 50%.

Trước tình hình đó, cuối tháng 07/2015, Ủy ban Hỗn hợp điều hành ACFTA đã nhóm họp tại Brunei, thống nhất kiến nghị Trung Quốc bãi bỏ việc hoàn thuế xuất khẩu, loại trừ các “tiểu xảo” đưa Boron, Crom... vào thép.

Chỉ trong nửa đầu năm 2015 đã có 29 hành động thương mại trên thế giới trực tiếp hay gián tiếp chống lại thép Trung Quốc, trong đó 7 trường hợp từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Đề xuất tăng thuế để chống gian lận phôi thép Trung Quốc

Trước tình trạng đó, VSA đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, phản ánh về tình trạng phôi thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc (mã HS 7224.90.00) vào Việt Nam tăng quá nhanh trong thời gian gần đây.

Nội dung phản ánh chỉ rõ, phôi thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam với mục đích làm thép xây dựng, đáng ra phải chịu thuế 9% (theo mã HS 7207.11.00), nhưng một số doanh nghiệp nhập khẩu khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố crom (mã HS 7224.900.00), trong khi tỷ lệ crom rất nhỏ, chỉ tương đương với 0,3%, để được hưởng mức thuế ưu đãi 0%.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính có văn bản trả lời VSA về tình trạng phôi thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh thời gian gần đây và bị nghi gian lận thương mại. Theo đó, cơ quan này dự kiến áp thuế 10% đối với phôi thép hợp kim có chứa nguyên tố crom hàm lượng từ 0,3% trở lên, tức còn cao hơn thuế nhập khẩu phôi thép vuông hiện tại (9%).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nhận định áp thuế cao chỉ là một biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu phôi thép hợp kim có chứa crom về làm thép xây dựng. Nhưng trên thực tế, do biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam để thực hiện hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực từ 01/01/2015 nên nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhập khẩu thép từ Trung Quốc để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt ACFTA là 0%.

Do vậy, Bộ đề nghị các bộ, ngành liên quan, VSA nghiên cứu và có ý kiến về đề xuất áp thuế trên trước ngày 30/10/2015./.