Cửa đã mở rộng...

Theo Bộ Công Thương, FTA ASEAN - Hàn Quốc (VKFTA) là hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã và đang thực hiện.

Bên cạnh đó, đối với FTA này, số dòng thuế mà phía Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam cũng nhiều hơn số dòng thuế họ cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam (như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) khoảng 5%.

Dù được ưu ái như vậy, song thực tế là hiện nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ví dụ với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam mới chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước Asean.

Với VKFTA, Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với 502 mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam. Cụ thể là các nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản chủ lực, như: tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới...

Nhóm hàng rau quả và nông sản có 50 dòng sản phẩm, hiện kim ngạch xuất khẩu mới ở mức 800.000 USD, rất có tiềm năng đẩy mạnh hơn nữa vào thị trường Hàn Quốc. Hoặc nhóm sản phẩm đặc thù, như: tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm này, hiện đang có thuế suất lên tới 241%-420%.

Theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt trị giá 6,38 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm xuất khẩu chiếm hơn 10%. Trong nhóm hàng này, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là thủy sản, cà phê, rau quả chế biến, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc…

Song, cũng nhiều khắt khe

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hàn Quốc có những quy định phức tạp về kiểm dịch đối với mặt hàng nông sản thực phẩm như các yêu cầu về nuôi trồng, kiểm tra chứng nhận và các biện pháp xử lý tại chỗ; thủ tục đánh giá rủi ro quá dài.

Đặc biệt, mới đây, theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: từ ngày 01/01/2017, Hàn Quốc sẽ áp dụng quy định quản lý mới đối với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản thực phẩm nhập khẩu.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2017, Hàn Quốc sẽ áp dụng hệ thống danh mục (PLS) để quản lý các loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký. Nếu thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký hoặc chưa thiết lập quy định mức giới hạn (MRLs) thì sẽ áp dụng mức mặc định là 0,01 ppm từ 01/01/2017.

Nafiqad phân tích, việc áp dụng danh mục PLS sẽ hạn chế về số lượng, chủng loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong phòng trừ sâu bệnh tại Việt Nam (nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký theo quy định mới của Hàn Quốc nên sẽ bị áp dụng mức mặc định 0,01 ppp).

Do vậy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp khi sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, như: cà phê, lạc nhân, hạt điều và các loại trái cây sang thị trường này.

Đại diện Nafiqad đưa ra dẫn chứng, hiện nay Hàn Quốc đã quy định MRLs cho 29 loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên cà phê, nhưng từ ngày 01/01/2017 thì trong PLS sẽ chỉ còn 2 loại thuốc bảo vệ thực vật được thiết lập MRLs. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài hai loại hoạt chất trên thì tất cả các hoạt chất còn lại đều chịu mức MRLs là 0,01 ppm.

Không chỉ quy định mới về mức giới hạn, quy định đăng ký thuốc bảo vệ thực vật của Hàn Quốc cũng gây nhiều khó khăn cho nông sản Việt. Cụ thể, hiện tại Hàn Quốc có hai hệ thống đăng ký thuốc bảo vệ thực vật khác nhau áp dụng cho nội địa và nhập khẩu nhưng khi lưu thông trong nước thì áp dụng như nhau về MRLs trên hàng hóa.

Theo quy định, thời gian thẩm tra hồ sơ đăng ký là 3 lần/năm, thiết lập mức MRLs là 1 năm. Thời gian xem xét thay đổi hoặc miễn MRLs là 210 ngày. Kinh phí thiết lập MRLs là 30.000 USD; thay đổi MRLs hoặc miễn MRLs là 10.000 USD… (quy định mới này cũng tương tự như một số nước đang áp dụng, như: Nhật, Mỹ, EU…).

Cần lưu ý những gì?

Dẫn lời ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) trên Báo điện tử Công Thương, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin để đánh giá được nhu cầu, xu hướng đối với từng nhóm mặt hàng, sản phẩm dự định xuất khẩu sang quốc gia này để tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Trong khi đó, bà Bùi Kim Thùy, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thành viên Ban đàm phán VKFTA cho biết, để tận dụng tối đa ưu đãi, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tuân thủ và tìm hiểu cặn kẽ về các điều khoản ưu đãi trong Hiệp định VKFTA liên quan đến quy tắc xuất xứ.

Do đó, hiểu biết các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại Hàn Quốc sẽ giúp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng, hạn chế bị trả lại hàng, rút ngắn thời gian kiểm dịch.

Ngoài ra, để duy trì được thị phần và thị trường, phát triển bền vững tại Hàn Quốc, thì việc nắm bắt thông tin thị trường và hiểu biết tập quán kinh doanh của người Hàn Quốc cũng là điều cần hết sức lưu ý. Người tiêu dùng Hàn Quốc có thói quen tham khảo thông tin qua điện thoại, do đó khi đưa sản phẩm vào cần có đường dây trực tuyến để giải đáp thắc mắc khi cần…

Về phía Hàn Quốc, ông Kim Ik Ho, Cục trưởng Cục hành chính nông nghiệp tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) cũng cho biết, quốc gia này cũng đang phải nhập khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những mặt hàng, như: cà phê, gạo, đường, tôm…của Việt Nam được người dân Hàn Quốc ưa chuộng hơn, vì nó có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá thành hợp lý và có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tốt (VSATTP).

Tuy nhiên, theo ông Kim Ik Ho, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch đối với các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu vào Hàn Quốc được coi trọng nhất. Thế nhưng những vấn đề này ở các nước đang phát triển lại còn rất kém. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất đối với hàng nông lâm thủy hải sản của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Nếu khắc phục được lộ trình này thì những nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc có triển vọng rất lớn./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baocongthuong.com.vn/hang-nong-san-viet-nam-rong-cua-xuat-khau-sang-han-quoc.html

http://baocongthuong.com.vn/nong-san-viet-nam-duoc-ua-chuong-o-han-quoc.html

http://www.nafiqad.gov.vn/a-tin-tuc-su-kien/quy-111inh-moi-cua-han-quoc/