Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa phát hành báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo của Thái, trong đó:

1.Giá xuất khẩu theo trị giá FOB của các chủng loại gạo Thái (USD/tấn) trong thời gian từ 12-18/10/2015

2. Xuất khẩu gạo hàng tuần (bao gồm gạo thơm Thái)

Theo báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo của Thái của Bộ Nông nghiệp Mỹ, gạo xuất khẩu gần như giữ nguyên giá, trừ giá xuất khẩu gạo thơm Thái tăng được 1%. Bộ thương mại Thái đang đề xuất một chương trình trợ giá mới cho lúa gạo thơm trong mùa vụ thu hoạch chính tại vùng đông bắc.Theo nguồn tin cho biết, 500.000 tấn gạo Thái xuất khẩu sang Indonesia theo thỏa thuận giữa Chính phủ với Chính phủ (G to G) vẫn còn trong giai đoạn đàm phán.

Gạo thơm mùa vụ mới nhất sẽ được cung cấp cho thị trường vào tháng 11 và 12 tới. Theo chương trình trợ giá này, Chính phủ sẽ mua lúa trực tiếp từ nông dân với giá đề xuất là 14.000 baht/tấn (369USD/tấn), cao hơn giá thị trường khoảng 10% so với giá MY2014-15. Hơn nữa, những nông dân đủ điều kiện được lựa chọn sẽ nhận được thêm 1.000 baht/tấn (28USD/tấn) để bù vào các chi phí bảo quản lưu kho lúa. Chính phủ sẽ xem xét đề nghị này để đi đến quyết định vào cuối tháng này. Chương trình trợ giá như vậy đã được Chính phủ Thái áp dụng vào cuối năm 2014.

Chính phủ sẽ tiến hành giao 300.000 tấn gạo vào tháng 11 tới cho loại gạo trắng hạt dài 25% tấm của mùa vụ mới theo hợp đồng G to G mới đây với Philippine. Chính phủ Thái đã trúng thầu hợp đồng này với giá 426USD/tấn theo trị giá CIF vào tháng 9/2015. Các nhà xuất khẩu gạo tư nhân sẽ đảm nhận việc giao hàng từ tháng 11/2015 đến tháng 3/2016.

Đối với thỏa thuận G to G năm 2014 với Trung Quốc, Chính phủ Thái sẽ tiến hành giao hàng lần thứ 7 cho 100.000 tấn gạo trắng hạt dài 5% tấm của mùa vụ mới trong tháng 9-10. Giá xuất khẩu được ấn định ở mức 410USD/tấn theo trị giá FOB Bangkok. Như vậy, theo thỏa thuận 1 triệu tấn gạo với Trung Quốc, hiện nay Chính phủ Thái đã giao được khoảng 700.000 tấn. Theo dự kiến, Chính phủ Thái sẽ giao thêm 100.000 tấn gạo vào cuối năm nay.

Số liệu xuất khẩu gạo Thái Lan

Tổng lượng xuất khẩu gạo sơ bộ chưa được công bố chính thức đối với gạo trắng hạt dài và gạo thơm Thái trong tuần 12-18/10/2015 là 90.999 tấn, giảm 11.002 tấn so với tuần trước và giảm 15.516 tấn so với trung bình xuất khẩu trong 4 tuần là 106.515 tấn. Lượng xuất khẩu gạo từ tháng 1 đến 18/10/2015 đạt 3.497.430 tấn, giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam cũng áp dụng chính sách trữ gạo chờ tăng giá

Trên thực tế, Việt Nam cũng áp dụng chính sách mua tạm trữ gạo khi giá gạo Việt Nam trên thị trường bị xuống thấp. Theo đó, Chính phủ giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua tạm trữ 500.000 - 1 triệu tấn gạo mỗi mùa vụ thông qua các doanh nghiệp thành viên và được Nhà nước hỗ trợ lãi suất.

Vấn đề là các doanh nghiệp thành viên này không trực tiếp mua lúa gạo từ nông dân mà chủ yếu qua thương lái và do đó, chính nông dân lại bị ép giá. Điều này không đúng với kỳ vọng ban đầu của Chính Phủ là mua trữ gạo nhằm ủng hộ, khuyến khích và tăng lợi nhuận cho chính người trồng lúa.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng cần thiết trong thời điểm hiện tại, khi Việt Nam hiện là nước duy nhất bị sụt giảm cả về số lượng lẫn giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái khi so sánh với 4 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khác là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Pakistan, là Chính phủ cần đưa ra các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, cải tiến công nghệ, gia tăng năng suất… để thương hiệu gạo Việt khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường về chất lượng./.