Tại Buổi đối thoại trực tuyến về "Đẩy mạnh tiêu thụ và sử dụng xăng sinh học E5", ngày 02/7/2014, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, từ ngày 1/12/2014, xăng E5 sẽ được sử dụng bắt buộc thay thế cho nhiên liệu truyền thống trên các phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn. Đó là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu. Và từ 1/12/2015, sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc .

Nhiều ưu điểm

Tại buổi đối thoại, theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, từ năm 2009, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành quy chuẩn về xăng E5, và chứng minh được rằng xăng E5 phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và được phép sử dụng tại thị trường Việt Nam.

Xăng E5 được gọi là xăng sinh học, và cho đến nay chúng ta có thể an tâm sử dụng vì nó đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn. Xăng E5, E10 công nghệ tốt không ảnh hưởng đến môi trường, cũng như không ảnh hưởng đến máy móc.

Đại diện Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng khẳng định khi sử dụng xăng sinh học E5 hay E10 thì người sử dụng đã tiết kiệm được hơn so với xăng truyền thống, không những vậy máy móc sẽ được vận hành tốt hơn, bền bỉ hơn. Xăng sinh học do có 5% là cồn Etanol có khả năng làm tăng trị số octan (trị số chống khả năng kích nổ của động cơ) nên giúp thải ít chất độc hơn. Sản phẩm đốt cháy là CO2 và H2O, giảm ăn mòn máy móc hơn.

Điều này rất tốt cho động cơ của phương tiện. Sử dụng xăng E5 còn giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ. Vì vậy người sử dùng sẽ được hưởng lợi về mặt kinh tế. “Xét những điều kiện trên thì cho dù giá xăng sinh học và giá xăng truyền thống không chênh lệch nhiều thì người tiêu dùng vẫn được lợi nhiều hơn khi sử dụng xăng sinh học E5”, ông Bảo khẳng định.

Nhưng vẫn “ế”

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), việc sản xuất xăng sinh học E5 vẫn còn nhiều vướng mắc, do thị trường tiêu thụ E5 trong nước còn hạn chế.

Hiện nay, PVN có 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đặt tại 3 miền gồm Phú Thọ (phía Bắc), Dung Quất (Quảng Ngãi- miền Trung) và Bình Phước (miền Nam), với tổng công suất tới 300 triệu lít ethanol/năm, nhưng hiện mới đi vào hoạt động duy nhất 1 Nhà máy năng lượng sinh học Dung Quất. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, phần lớn sản phẩm của Nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, vì vậy phải sản xuất cầm chừng.

“Giá thu mua nguyên liệu (sắn) cao, biến động theo thời vụ, nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu lớn do một năm chỉ có một vụ sắn, lãi vay ngân hàng còn cao. Ngoài ra, hiện nay, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho công tác phân phối và tiêu dùng xăng E5”, ông Khang chia sẻ.

Theo ông Khang, một trong những khó khăn chính dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư cho hệ thống cửa hàng xăng sinh học là do chi phí đầu tư cửa hàng để chuyển đổi sang bán xăng E5 khá tốn kém, mất khoảng 400 triệu đồng/cửa hàng, chưa kể chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu, vận chuyển… hiện cao hơn vài trăm đồng/lít so với kinh doanh xăng truyền thống.

Đến thời điểm này, cả nước mới có 3/10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5 với tổng số 169/13.000 cây xăng trong cả nước. Ước tính, mức tiêu thụ xăng E5 trong thời gian qua của các doanh nghiệp này cũng chỉ bằng 1/8 so với xăng truyền thống.

Cần có cơ chế khuyến khích

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: “Hiện tại xăng E5 và xăng thông thường có giá thành như nhau vì tuân theo nguyên tắc thị trường, nhưng Chính phủ sẽ xem xét để hỗ trợ về thuế và phí cho xăng sinh học để khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng".

Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc PVN cũng kiến nghị, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào nhiên liệu sinh học, như: miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu sinh học trong nước chưa sản xuất được.

Đồng thời, cần xem xét miễn thuế, phí môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông.../.

Đã 7 năm trôi qua kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 177/2007/QĐ-TTg, ngày 20/11/2007 phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015, tầm nhìn đến 2025”, việc sản xuất và tiêu thụ ethanol vẫn hết sức chật vật. Những doanh nghiệp đã “trót” đầu tư loại nhiên liệu thực chất là cồn sinh học để pha chế vào xăng truyền thống - hay còn gọi là xăng E5 - bắt đầu lo ngại vì “cầm đèn chạy trước ôtô”.
Mãi tới tháng 3/2013, Bộ Công Thương mới phê duyệt “Quy hoạch sản xuất cồn nhiên liệu phục vụ ngành sản xuất nhiên liệu sinh học đến 2020, có xét đến 2030”, trong khi lẽ ra quy hoạch phải đi trước một bước. Cùng với đó, mãi đến năm 2012, Bộ này mới hoàn thiện bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị phụ trợ để tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại các cửa hàng và hệ thống kho xăng dầu, có hiệu lực thực hiện từ tháng 2/2013.